Sáng ngày 5/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Các nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán "hóc búa" cần lời giải phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Với truyền thống vẻ vang của ngành; sự đồng lòng, đoàn kết, trí tuệ, tinh thần đổi mới và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động; phát huy những thành tích đạt được, tôi tin tưởng rằng, ngành tài nguyên và môi trường sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc". Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu và khách quý quốc tế!
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Tài nguyên môi trường là yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh tồn và phát triển của con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực quản lý rất quan trọng và rộng lớn, khó khăn. Hôm nay, chúng ta vui mừng dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan quản lý 9 lĩnh vực hết sức quan trọng.
Trước hết, tôi xin gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường qua các thời kỳ và quý vị đại biểu, khách quý lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu!
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quan tâm, chú trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng nói: "Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh…". Người dạy: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây", theo đó, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh để cải thiện môi trường, giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên, môi trường đã được ban hành với những đổi mới cả về nội dung và tổ chức thực hiện, trong đó, ngày 05/8/2002 là dấu mốc quan trọng với việc Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 về việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trên nền tảng được tạo dựng từ các vực lĩnh vực có bề dày truyền thống, 20 năm qua, ngành tài nguyên và môi trường đã kế thừa thành quả của các thế hệ lãnh đạo, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành, phát triển, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước cũng như xu hướng quốc tế; qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Có thể nói, ở mỗi giai đoạn, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, phân tích, dự báo xu thế của thời đại, Ngành đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành và lớn mạnh.
- Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được cơ bản hoàn thiện đồng bộ trên tất cả 9 lĩnh vực[1], với tư duy chuyển từ thắt chặt quản lý sang kiến tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển, tạo dư địa, động lực mới để giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Công tác điều tra cơ bản tài nguyên được tăng cường, góp phần nắm chắc số lượng, chất lượng, tiềm năng, nguồn lực tài nguyên để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả và hạch toán trong nền kinh tế. Các nguồn tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, tài nguyên đất được chuyển dịch phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng, tạo ra nguồn lực lớn cho ngân sách (giai đoạn 2016 - 2021 đóng góp hơn 1,05 triệu tỷ đồng); trong 20 năm đưa vào sử dụng hơn 6,74 triệu ha đất cho các mục tiêu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tiềm năng lợi thế về biển được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư. An ninh tài nguyên nước được chú trọng. Chuyển đổi số được đẩy mạnh trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu về thông tin địa lý, dữ liệu đất đai, dữ liệu viễn thám... hướng tới phát triển kinh tế số.
- Công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, chuyển từ tư duy bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái của quốc gia. Công tác xử lý rác thải được triển khai hiệu quả với các dự án, mô hình công nghệ tái chế, tái sử dụng, biến rác thải thành tài nguyên. Nhiều dự án thu gom, xử lý nước thải để phục hồi xanh hóa các dòng sông đã và đang được triển khai, nổi bật là thành công trong phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh để hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
- Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đồng chí đã chủ động, đóng góp nhiều sáng kiến quy mô khu vực và toàn cầu liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên…
Đặc biệt, việc tham gia thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) mang lại lợi ích kép cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021 lên vị trí 51/165 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 37 bậc so với năm 2016.
- Chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên với đủ độ chi tiết, tiệm cận với trình độ của các nước phát triển; đặc biệt là đã dự báo sát, kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các cơn bão lớn, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của đất nước ta.
- Đội ngũ cán bộ, công chức của Ngành được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; số lượng và chất lượng đã được nâng lên một bước. Tổ chức bộ máy đang trong quá trình tinh giản, bớt khâu trung gian để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường qua các thời kỳ và chúc mừng những thành tích của Ngành đã đạt được trong những năm qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Sau 20 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, ngành tài nguyên và môi trường đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức.
Trên thế giới, các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường… đang là những vấn đề lớn đối với nhân loại. Ở trong nước, quá trình đô thị hóa tạo sức ép lớn về nhu cầu tài nguyên và xử lý ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường, khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống người dân. Các vấn đề liên quan tới quản lý đất đai, môi trường còn nhiều hạn chế, vướng mắc, tồn đọng, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân, cần sớm được khắc phục.
Đặc biệt, yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giảm phụ thuộc vào tài nguyên đòi hỏi ngành tài nguyên và môi trường phải đi đầu, tiên phong trong thực hiện các giải pháp, xu thế phát triển mới như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít carbon để sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: "Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai" và xác định mục tiêu: "Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu".
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, tôi đề nghị toàn ngành tài nguyên và môi trường tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường phải tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải đoàn kết, thống nhất; phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể. Đoàn kết có đấu tranh, có xây dựng, góp ý thẳng thắn, chứ không phải đoàn kết xuôi chiều, "dĩ hòa vi quý".
Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các công việc trong trung hạn và dài hạn.
Hai là, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả; xây dựng bộ máy tinh gọn phải gắn với cơ cấu lại, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh, tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn.
Đẩy mạnh phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm gắn với đảm bảo các điều kiện nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành tiến về phía trước với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Ba là, bám sát tình hình, bám sát thực tiễn, tham mưu cho các cấp rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho Nhân dân. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, cản trở trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước.
Bốn là, tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi,định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn. Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tiếp cận quản lý theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, cải cách triệt để, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành tài nguyên và môi trường.
Sáu là, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Nghiên cứu cơ chế chia sẻ và giải quyết tranh chấp, xung đột trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới, nhất là sông Mekong và sông Hồng. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và ven biển, thiết lập hệ thống quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản có nền kinh tế biển xanh, bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, cải thiện chất lượng môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả vào đàm phán phân giới, cắm mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.
Bảy là, triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... Phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư. Kiên quyết, kiên trì quan điểm và hành động không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Tám là, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn. Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết và giám sát biến đổi khí hậu. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng "0" vào năm 2050. Đầu tư nguồn lực ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp công trình và phi công trình; chuẩn bị nội lực để từng bước chủ động thực hiện những cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách "không hối tiếc" trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta, huy động nguồn lực bằng các hình thức hợp tác công tư.
Chín là, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập, phân tích dự báo, phân tích các xu thế, dòng chảy của thời đại để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách nhằm đi trước đón đầu, bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, nắm bắt và tận dụng các thời cơ, thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Mười là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Chúng ta đều biết, để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tốt đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường phải chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, nhất là đổi mới nội dung, phương thức nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân cũng như ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, với tinh thần dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm.
Thưa các đồng chí và quý vị!
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó ngành tài nguyên và môi trường có sứ mệnh hết sức quan trọng, là nòng cốt, rường cột trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sống của nhân dân.
Các nhiệm vụ của ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán "hóc búa" cần lời giải phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Với truyền thống vẻ vang của ngành; sự đồng lòng, đoàn kết, trí tuệ, tinh thần đổi mới và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động; phát huy những thành tích đạt được, tôi tin tưởng rằng, ngành tài nguyên và môi trường sẽ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúc các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nguồn: https://Chinhphu.vn
- Thông báo số 766/TB-HĐTDVC ngày 19 tháng 8 năm 2022 Danh sách ứng viên không đủ điều kiện dự kỳ tuyể (19.08.2022)
- Thông báo số 765/TB-HĐTDVC ngày 19/08/2022 Danh sách các ứng viên đủ điền kiện tuyển viên chức, danh (19.08.2022)
- Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022 (19.08.2022)
- Thách thức trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 (19.08.2022)
- Sức sống xanh ở đảo Trường Sa sau 45 năm giải phóng (19.08.2022)
- Hội nghị khoa học Việt Nam về Các khoa học Trái đất và Môi trường lần thứ 2– VCEES 2022 (19.08.2022)
- Bàn giao hơn 150 trạm đo mưa tự động phục vụ cảnh báo thiên tai (19.08.2022)
- Giải bài toán thu hút nguồn lực quốc tế cho phát triển bền vững (17.08.2022)
- Bộ TN&MT - Đại sứ quán Na Uy thúc đẩy hợp tác chiến lược về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (17.08.2022)
- Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăn (17.08.2022)