Sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy sử dụng và thải bỏ ngày càng gia tăng. Để hạn chế Luật bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Tăng cường quản lý chất thải nhựa
Theo Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng CTR xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu), mỗi năm, lượng CTR thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông khó phân hủy.
Điều đáng nói là, với lượng chất thải nhựa (CTN) thải ra môi trường lớn như vậy, nhưng việc phân loại, thu gom, tái chế và xử lý CTN còn hạn chế, chỉ có khoảng 11 - 12 % lượng CTN, túi ni lông được xử lý, tái chế theo đúng quy định, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra môi trường. Trong khi, CTN phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn, CTN và túi ni lông được thu gom từ hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng được vận chuyển và xử lý cùng với chất thải rắn (CTR) sinh hoạt.
Nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã dành 01 điều (điều 73) quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.
Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Sau năm 2030, sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ không được sử dụng
Cụ thể hóa nội dung được Luật giao, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định này.
Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Sau ngày 31 tháng 12 năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn."
Như vậy, theo quy định trên thì ly nhựa và sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ không còn được sử dụng trên toàn cả nước sau năm 2030 (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam).
Nguồn: Linh Chi - https://baotainguyenmoitruong.vn
- Một số mô hình quản lý rác thải thực hiện kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học cho Việt Nam (15.09.2022)
- Hội thảo chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực ngành môi trường (15.09.2022)
- Sở TN&MT tổ chức triển khai Hội nghị tập huấn Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định, Thông tư... (13.09.2022)
- LỄ KẾT NGHĨA GIỮA ĐOÀN CƠ SỞ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐOÀN PHƯỜNG HIỆP AN (05.09.2022)
- Chung tay giải quyết tác động của kỹ thuật số đến môi trường (25.08.2022)
- Chú trọng an ninh nguồn nước (25.08.2022)
- 1.230 câu chuyện về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam (25.08.2022)
- Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021: Công cụ để hoạch định và phát triển bền vững (25.08.2022)
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường (25.08.2022)
- Bình Dương: Khắc phục những điểm nghẽn để đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính (25.08.2022)