(TN&MT) - "Để trở thành quốc gia biển mạnh, Việt Nam cần tăng cường quản trị phát triển kinh tế biển đảo hiệu quả trên cơ sở khoa học và pháp luật. Về lâu dài, cần phải có giải pháp khôi phục chất lượng và số lượng các thành phần môi trường tự nhiên" - Đây là nội dung được các chuyên gia đề xuất tại Hội nghị khoa học quốc tế Biển Đông năm 2022 do Viện Hải dương học vừa tổ chức.
Môi trường Biển Đông đang suy thoái
TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học nhận định, môi trường Biển Đông đang suy thoái. Cụ thể, số lượng cá, sinh vật biển đã bị suy giảm do đánh bắt, khai thác quá mức. Diện tích các rạn san hô, rừng ngập mặn bị thu hẹp, suy giảm từ 30 đến 50% so với số liệu từ đầu thế kỷ XX. Số lượng và chất lượng các thành phần môi trường bị thay đổi do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do ô nhiễm, phá hủy, khai thác thiếu kiểm soát các yếu tố môi trường, làm hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Môi trường suy thoái đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến đời sống con người và sinh vật. Tại Việt Nam, mối lo ngại là hiện tượng mưa lớn dị thường và tăng nhiệt độ do sự ấm lên toàn cầu, nhất là bão và lũ lụt sau mỗi chu kỳ 3-4 năm.
Toàn cảnh Hội nghị khoa học quốc tế Biển Đông năm 2022
Đồng quan điểm đó, ông Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng, Biển Đông đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó, suy thoái hệ sinh thái là vấn đề nghiêm trọng nhất, tiếp theo là khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, một số thảm cỏ biển và rạn san hô đã biến mất do lấn biển ở vịnh Nha Trang, vịnh Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận). Cùng với đó, các nhà khoa học đã ghi nhận một số sự cố như: Loạt san hô và sinh vật rạn ở vịnh Cà Ná bị chết vào thời điểm tháng 7/2002; nhiều san hô ở Côn Đảo chết vào năm 1998…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho biết, có 5 áp lực chính gây suy thoái môi trường biển gồm: Thay đổi nơi cư trú, khai thác quá mức, ô nhiễm, sinh vật ngoại lai xâm hại và biến đổi khí hậu. Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một chuỗi khủng hoảng môi trường cả ở cấp toàn cầu (đe dọa đến sự tồn tại của sự sống trên trái đất) và cấp địa phương (đe dọa đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống).
Cần sớm có giải pháp phục hồi
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để trở thành quốc gia biển mạnh, Việt Nam cần tăng cường quản trị phát triển kinh tế biển đảo hiệu quả trên cơ sở khoa học và pháp luật. Về lâu dài, cần phải có giải pháp khôi phục chất lượng và số lượng các thành phần môi trường tự nhiên.
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ biển
Theo PGS.TSKH Nguyễn Tác An, 3 vấn đề cốt lõi để quản trị, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền và môi trường trên Biển Đông là: Truyền thông rộng rãi nhận thức về kinh tế biển, đảo và vai trò kinh tế trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải; tăng cường quản trị phát triển kinh tế biển, đảo hiệu quả trên cơ sở khoa học và pháp luật; am hiểu tài nguyên Biển Đông và lượng được giá trị tài nguyên.
Cùng với đó, để phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển cần phải ngăn chặn hành vi xả thải các chất thải ô nhiễm, nguy hiểm. Đặc biệt, về lâu dài, cần phải có giải pháp khôi phục chất lượng và số lượng các thành phần môi trường như: Gây nuôi các hệ động vật, thực vật rừng, cải tạo đất, cải tạo nguồn lợi thủy sản.
Còn theo PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, cần có các giải pháp đồng bộ để phục hồi các hệ sinh thái biển. Đối với rừng ngập mặn và rạn san hô, nhiều hoạt động phục hồi đã được tiến hành đạt một số kết quả nhất định. Việc mở rộng phục hồi và quản lý có hiệu quả các vùng phục hồi phục vụ cho mục tiêu bảo tồn và sử dụng hợp lý cần được quan tâm nhằm làm cơ sở cho việc tái tạo nguồn lợi hải sản, phát triển du lịch và tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng…
Từ góc độ nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian tới, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ biển. Trong đó, tập trung nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học, phục vụ cho việc hoạch định và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển và khung thể chế, quản lý thống nhất vùng ven biển, đảo Việt Nam. Đồng thời, phải nghiên cứu dự báo nguồn lợi thủy sản xa bờ, biến động ngư trường, môi trường biển, xói lở bồi tụ ven biển và hải đảo; nghiên cứu các giải pháp phục vụ việc khai thác nguồn năng lượng biển.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng khuyến nghị nên đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ biển ở các địa phương để tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, chú trọng tới các huyện đảo. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác với quốc tế về ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong điều tra, nghiên cứu, dự báo các yếu tố tự nhiên, tài nguyên, môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Nguồn: Việt Anh - https://baotainguyenmoitruong.vn
- CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG NƯỚC (WQI) TẠI CÁC SÔNG VÀ RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 2 NĂM 2024 (28.03.2024)
- CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ (AQI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 02 NĂM 2024 (28.03.2024)
- Giải chạy bộ ra mắt Câu lạc bộ TNMT BDRC, hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2024 và chào mừng kỷ (28.03.2024)
- TRUNG TÂM QUAN TRẮC – KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG TỔ CHỨC CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC (19.03.2024)
- Tổ chức đánh giá và xây dựng Sách Xanh tỉnh Bình Dương năm 2024 (18.03.2024)
- CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG NƯỚC (WQI) TẠI CÁC SÔNG VÀ RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 1 NĂM 2024 (12.03.2024)
- CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ (AQI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 01 NĂM 2024 (12.03.2024)
- Bình Dương và vùng Meti Kansai (Nhật Bản): Hợp tác bảo vệ môi trường (12.03.2024)
- Hưởng ứng sử dụng nước tiết kiệm, giảm nhẹ khí nhà kính (12.03.2024)
- Chi cục Bảo vệ môi trường làm việc với Ban quản lý dự án – Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường về Nhãn (12.03.2024)