Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng, sáng kiến, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Phát biểu khai mạc tại cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai” chiều 16/12/2021, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng ban tổ chức cho biết để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có nhiều sáng kiến, giải pháp về mô hình kinh tế, mô hình sinh kế nhằm ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Lễ phát động cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai" tại Bộ Tài Nguyên và Môi trường. (Ảnh: Đắc Huy)
“Các mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu là những mô hình can thiệp, đã được điều chỉnh để né tránh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ lên nó. Trong thực tại hay tương lai, kết quả của mô hình đó có thể giảm nhẹ và phục hồi với các tác động của biến đổi khí hậu”, Cục trưởng Tăng Thế Cường phát biểu.
Ông Cường nhấn mạnh việc tổ chức cuộc thi về biến đổi khí hậu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn xã hội là một chủ đề mới, thời sự, có ý nghĩa to lớn, có tính tuyên truyền cổ động cao và gần gũi với chính mỗi chúng ta để thu hút nhiều người tham gia.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại lễ phát động cuộc thi (Ảnh: Đắc Huy)
Chính vì lý do đó, Cục Biến đổi khí hậu phát động Cuộc thi với chủ đề “Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai” với mục đích tìm kiếm các ý tưởng, sáng kiến, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đời sống xã hội.
Cuộc thi cũng nhằm lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc phục vụ tuyên truyền, nhân rộng, nâng cao hiệu quả về ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn công tác quản lý nhà nước với các hoạt động xã hội, cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai vì sự phát triển kinh tế bền vững.
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó ban tổ chức cuộc thi. (Ảnh: Đắc Huy)
Theo đó, đối tượng cuộc thi gồm: tập thể, cá nhân đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài hoặc cá nhân là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Tác phẩm tham dự cuộc thi theo 3 hình thức:
Tác phẩm viết (các hồ sơ, tài liệu viết được thể hiện trên chất liệu giấy in)
Tác phẩm vẽ, gồm vẽ tay trên nền giấy và vẽ trên nền tảng công nghệ. Vẽ trên giấy sử dụng màu bột gouach, màu poster, màu acrylic, khổ giấy vẽ (kích thước các cạnh nhỏ nhất là 210 x 297mm, lớn nhất là 420 x 594mm). Vẽ nền tảng công nghệ được tạo dựng từ chương trình/ứng dụng đồ họa trên máy tính hoặc điện thoại di động và các nền tảng công nghệ phù hợp.
Mô hình mô phỏng, được thể hiện thông qua dàn dựng, thiết kế, lắp ráp, trình diễn, diễn giải, mô phỏng.
Ban tổ chức sẽ lựa chọn và trao chứng nhận cho các tác phẩm tiêu biểu, suất sắc. Cụ thể có 44 giải thưởng (31 giải cá nhân và 13 giải tập thể). Với cá nhân sẽ có 1 giải Nhất; 6 giải Nhì; 9 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Với tập thể sẽ có 1 giải Nhất; 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Ban tổ chức tiếp nhận tác phẩm tham gia cuộc thi kể từ ngày phát động cuộc thi đến hết ngày 30/6/2022 (theo dấu bưu điện hoặc xác nhận thông tin trên hồ sơ điện tử).
Thể lệ cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ www.monre.gov.vn; Cục Biến đổi khí hậu, địa chỉ www.dcc.gov.vn; và thông tin thông qua các kênh truyền thông khác.
(Nguồn https http://www.dcc.gov.vn)
- Các địa phương quyết liệt xử lý ô nhiễm tiếng ồn (15.09.2022)
- Một số mô hình quản lý rác thải thực hiện kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học cho Việt Nam (15.09.2022)
- Hội thảo chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực ngành môi trường (15.09.2022)
- Sở TN&MT tổ chức triển khai Hội nghị tập huấn Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định, Thông tư... (13.09.2022)
- LỄ KẾT NGHĨA GIỮA ĐOÀN CƠ SỞ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐOÀN PHƯỜNG HIỆP AN (05.09.2022)
- Chung tay giải quyết tác động của kỹ thuật số đến môi trường (25.08.2022)
- Chú trọng an ninh nguồn nước (25.08.2022)
- 1.230 câu chuyện về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam (25.08.2022)
- Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021: Công cụ để hoạch định và phát triển bền vững (25.08.2022)
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường (25.08.2022)