![]() |
Khói từ việc đốt than gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ảnh: Huffington Post. |
Theo nghiên cứu mới của các chuyên gia Trung Quốc, Israel và Mỹ, khói từ việc đốt than có thể khiến người dân miền bắc Trung Quốc giảm ba năm tuổi thọ so với người miền nam, Bussiness Insider hôm 12/9 đưa tin.
Nghiên cứu dựa trên số liệu về chất lượng không khí tại 154 thành phố ở Trung Quốc từ năm 1981 đến năm 2012. Theo đó, mức độ ô nhiễm ở miền bắc cao hơn đến 46%.
Chất lượng không khí tồi tệ ở miền bắc khiến người dân giảm trung bình 3,1 năm tuổi thọ so với người miền nam. Nguyên nhân là các căn bệnh như ung thư phổi hoặc đột quỵ xảy ra phổ biến hơn.
"Tỷ lệ tử vong tăng một cách rõ rệt. Điều này không chỉ xảy ra ở người trẻ và người già mà còn ở lứa tuổi trung niên. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả mọi người", Michael Greenstone, chuyên gia năng lượng và môi trường tại Đại học Chicago, đồng tác giả cuộc nghiên cứu cho biết.
Trước đây lò than được sử dụng rộng rãi ở miền bắc Trung Quốc, nơi có khí hậu lạnh hơn, một phần do chính sách của chính phủ cung cấp than miễn phí cho các hộ gia đình. Miền bắc nước này cũng đang đối mặt với tình trạng khói bụi trầm trọng hơn, đặc biệt là vào mùa thu và mùa đông, khi người dân đốt nhiều than để sưởi ấm.
Việc người dân ngày càng bất mãn với tình trạng khói bụi dày đặc khiến chính phủ bắt tay thực hiện một chiến dịch chống ô nhiễm không khí, trong đó các hộ gia đình buộc phải thay thế lò sưởi than bằng lò sưởi điện hoặc gas. Những nỗ lực này đã đem lại hiệu quả, Greenstone cho biết.
Tuy nhiên, tháng trước, chính phủ nước này thừa nhận họ vẫn đang chịu áp lực phải giảm lượng PM2.5, loại bụi mịn trong không khí ô nhiễm gây hại nhiều nhất tới sức khỏe.
![]() |
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng ô nhiễm không khí lan rộng tiếp tục khiến nhiều người Trung Quốc chết sớm, đặc biệt là ở những vùng công nghiệp, theo thống kê về chất lượng không khí và cuộc sống do các nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago thực hiện.
Người Trung Quốc trung bình có thể sống thêm 3,5 năm nếu nồng độ PM2.5 duy trì dưới mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Người Bắc Kinh có thể sống thêm 6,4 năm nếu lượng PM2.5 đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong khi người dân ở Cáp Nhĩ Tân sẽ thọ thêm 6,9 năm.
Trước đây cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy những tác hại đáng báo động của khói bụi ở Trung Quốc gây ra đối với sức khỏe.
Khói bụi liên quan đến gần 1/3 những ca tử vong tại khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và sông Châu Giang, theo một thống kê về tỷ lệ tử vong năm 2013. Một dự án khác do viện nghiên cứu Ảnh hưởng Sức khỏe của Mỹ đầu năm nay cho thấy, ô nhiễm không khí khiến khoảng 1,1 triệu người Trung Quốc chết sớm.
- Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2020 (26.03.2020)
- Bình Dương chú trọng chất lượng thanh, kiểm tra về tài nguyên và môi trường (26.03.2020)
- Tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thị trái phép (26.03.2020)
- Nghị định mới quy định về Quản lý cát, sỏi, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng bờ, bãi sô (26.03.2020)
- Định hướng công tác tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên và môi trường năm 2020 (26.03.2020)
- Hướng dẫn việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng Quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT (26.03.2020)
- Sự gia tăng khí thải nhà kính từ các hồ nước ngọt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (19.03.2020)
- Dự báo thời tiết ngày 19/3: Bắc Bộ, miền Trung mưa rải rác, miền Nam có nắng nóng (19.03.2020)
- "Nước và Biến đổi khí hậu": Cần quản lý nước an toàn và bền vững (19.03.2020)
- Ngày Nước thế giới năm 2020: Nước và Biến đổi khí hậu (19.03.2020)