(TN&MT) - Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) đồng tổ chức “Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững”.
Tham dự có bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cùng hơn 250 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn/tổng công ty lớn, các ngân hàng trong nước và quốc tế. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đã tới dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác Ngân hàng, các Ngân hàng Quốc tế… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.
Chia sẻ về nhu cầu nguồn lực ứng phó BĐKH, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, để thực hiện các cam kết, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng BĐKH, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về “0” vào năm 2050. Phần cam kết không kèm điều kiện sẽ sử dụng các biện pháp chính sách và nguồn lực ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn vay thương mại, và sự đóng góp, đầu tư của người dân Phần cam kết kèm điều kiện khi được cung cấp tài chính quốc tế thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản tài chính viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế trong khuôn khổ thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) chia sẻ về nỗ lực thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26 của Việt Nam và nhu cầu nguồn lực
Nhấn mạnh vai trò của ngành tài chính, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng cho rằng, đây là yêu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đều đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, dự án các-bon thấp. Dự báo nguồn lực cần thiết rất lớn và đòi hỏi sự thay đổi trong đầu tư. Trong khi đó, việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới, cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bịch Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thu hút nguồn lực cần tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Quan trọng và cần ưu tiên hơn cả là công tác xây dựng chính sách, công cụ huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững. Mục tiêu nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thu hút tài chính xanh trong nước, quốc tế thông qua các công cụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…; từng bước vận hành thị trường các-bon, áp dụng công cụ thuế với hoạt động phát thải nhiều các-bon.
Nhóm vấn đề tiếp theo là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh để thể chế hóa, tăng quy mô, tăng tính bao trùm, toàn diện của tài chính. Cần chú ý ưu đãi đầu tư xanh, tín dụng xanh, xây dựng giải pháp tập trung nguồn lực tín dụng xanh, sửa đổi bổ sung quy định quản lý ODA, vốn vay ưu đãi… nhằm tạo điều kiện để bên có nhu cầu tiệp cận nguồn lực nhanh hơn. Đồng thời, nâng cấp và thể chế hóa bộ chỉ số bền vững, yêu cầu báo cáo bền vững doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế về đầu tư tạo môi trường thu hút đầu tư xanh cho phát triển bền vững. Các dự án mới hay đang triển khai đều phải hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, ít phát thải và thân thiện môi trường. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khi đầu tư công nghệ mới. Trong trường hợp này, nguồn lực nhà nước sẽ dẫn dắt khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án xanh.
Cuối cùng là nâng cao tính minh bạch trong tài chính xanh, bằng cách xây dựng chỉ tiêu thống kê, công bố thông tin chủ thể phát hành tài chính xanh, chỉ tiêu phát hành tín dụng xanh và đánh giá rủi ro và có cơ sở dữ liệu.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận về tình hình triển khai của Chính phủ, Bộ, ngành trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng xanh, tiến trình chuyển đổi năng lượng; các thuận lợi, vướng mắc về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý; nguồn lực hỗ trợ và khả năng huy động từ các tổ chức quốc tế cũng như các đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp nhằm khai thông, thu hút và huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực. Trên cơ sở này, NHNN sẽ có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những thay đổi, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, với tín hiệu, thông điệp đưa ra trong Hội nghị từ các tổ chức quốc tế, các ngân hàng nước ngoài về nguồn lực hỗ trợ/tài trợ, NHNN tin tưởng rằng sẽ có dịch chuyển, thu hút dòng vốn, nguồn lực đầu tư mới chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - Khánh Ly - https://baotainguyenmoitruong.vn
- Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 (18.11.2022)
- COP 27: Việt Nam nâng mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (18.11.2022)
- COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung (18.11.2022)
- Người trẻ hào hứng với chiến dịch xanh (18.11.2022)
- Thủ tướng: Vì một ASEAN tự cường, mạnh mẽ, phát triển bền vững, bao trùm (11.11.2022)
- Xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu cho chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải (11.11.2022)
- Lan tỏa thông điệp về môi trường, cùng hành động trong chiến dịch phủ xanh Việt Nam (11.11.2022)
- Bộ TN&MT phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (10.11.2022)
- Quỹ bảo vệ môi trường Bình Dương: Nguồn lực ý nghĩa để xây dựng môi trường sống xanh (10.11.2022)
- Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm (28.10.2022)