Dự khai mạc Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2023 với chủ đề "Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững", sáng 14/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang đặt ra những nhiệm vụ mới đối với khoa học địa kỹ thuật.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các nhà khoa học địa kỹ thuật và các bộ môn khoa học khác kết nối, hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, đưa ra các giải pháp mở rộng không gian sống trên Trái đất thân thiện, ít tác động nhất tới môi trường - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học địa kỹ thuật đối với sự phát triển hạ tầng bền vững, kiến tạo không gian sống an toàn cho cộng đồng, trước sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, biến đổi khí hậu… Đây là sự kết nối, hợp tác "không biên giới" của nhiều bộ môn, chuyên ngành khoa học về địa chất, trái đất, môi trường, vật lý, toán học, hoá học,… cùng với các mô hình, công nghệ tính toán mới nhất.
Không chỉ liên quan đến phát triển hạ tầng bền vững, địa kỹ thuật đã xuất hiện trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt là quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức.
"Với mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, nhân loại phải cần tới 3 trái đất, vì vậy, nhiệm vụ của khoa học địa kỹ thuật là phải đưa ra những giải pháp xây dựng hạ tầng ít tác động nhất tới Trái đất, thân thiện nhất với môi trường trong quá trình mở rộng không gian sống trên Trái đất bằng các công trình ngầm hay hướng ra biển", Phó Thủ tướng trao đổi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm một số gian trưng bày, giới thiệu các giải pháp kỹ thuật nền móng công trình - Ảnh: VGP/MK
Dẫn chứng lại một số thảm hoạ động đất, sóng thần, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học trái đất, địa kỹ thuật nhằm đưa ra các khuyến nghị trong quy hoạch, bố trí không gian, đô thị, các công trình hạ tầng chiến lược, quan trọng. Đồng thời, xây dựng nguồn tài nguyên dữ liệu đầu vào cho địa kỹ thuật từ các bộ môn, chuyên ngành khoa học như địa chất, khí hậu, thuỷ văn, môi trường…; tăng cường nghiên cứu vật liệu mới, bền vững với môi trường, đáp ứng yêu cầu kết cấu…
Theo Phó Thủ tướng, hội nghị quốc tế địa kỹ thuật là cơ chế hữu hiệu để các nhà khoa học kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang tính thời đại đối với sự phát triển bền vững của Trái đất, cũng như mỗi quốc gia, không chỉ hiện tại mà cả tương lai.
"Có rất nhiều nhiệm vụ được thực tiễn cuộc sống đặt ra cho các nhà khoa học, từ những vấn đề cơ bản đến những giải pháp có tính ứng dụng hướng tới một môi trường sống an toàn cho cộng đồng, xã hội, người dân theo hướng chuyển đổi xanh, để trái đất được phục hồi, an toàn và bền vững", Phó Thủ tướng nói và mong muốn sau hội nghị sẽ có nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác trong những đề tài nghiên cứu chung, với sự tiên phong của các doanh nghiệp nhằm thương mại hoá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phòng, chống thiên tai… căn cứ vào cơ sở khoa học, năng lực doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trong chuyển hoá các kết quả nghiên cứu về địa kỹ thuật thành những giải pháp thi công trong thực tiễn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các nội dung chuyên sâu: Móng sâu; thi công hầm và công trình ngầm; cải tạo nền đất yếu, mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng tái tạo - năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển…
Trong khuôn khổ hội nghị, 55 gian hàng của các tổ chức khoa học, các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các diễn giả chính tại Hội nghị GEOTECH HANOI 2023 - Ảnh: VGP/MKa
Nguồn: Theo Chinhphu.vn, https://www.monre.gov.vn/
- Tỉnh Bình Dương và tỉnh Champasak (Lào) tăng cường hợp tác hữu nghị đặc biệt và toàn diện (25.08.2022)
- QUẢ NGỌT chuyển đổi số ở Bình Dương (25.08.2022)
- Thông báo số 790/TB-TTQTKT ngày 24/08/2022 về kết quả tuyển dụng viên chức đợt 2 năm 2021 của TTQT (24.08.2022)
- Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh - Bài 2: Xanh từ Phan Rí ra miền Cù Lao (24.08.2022)
- Giữ xanh đảo ngọc Cô Tô - Bài 1: Niềm hy vọng trong ngày về (24.08.2022)
- Nâng cao hiệu quả đánh giá tác động đa dạng sinh học (22.08.2022)
- Đề xuất tiêu chí môi trường với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (22.08.2022)
- Thế giới có thể giảm 700 triệu tấn CO2 nếu mọi người đạp xe nhiều hơn (22.08.2022)
- Thông báo số 767/TB-HĐTDVC ngày 19/08/2022 về việc triệu tập ứng viên, thời gian, địa điểm phỏng vấn (19.08.2022)
- Thông báo số 766/TB-HĐTDVC ngày 19 tháng 8 năm 2022 Danh sách ứng viên không đủ điều kiện dự kỳ tuyể (19.08.2022)