Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước
Tích cực tham gia, thể hiện tiếng nói, vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương về tài nguyên và môi trường
Trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ, tài trợ và các ưu tiên của các đối tác nước ngoài đã có nhiều thay đổi về phương thức, hình thức, quy mô và lĩnh vực ưu tiên. Nguồn tài trợ dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) giảm đáng kể, được thay thế bởi các cơ chế tài chính khác như vốn vay ưu đãi, hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động và tích cực tham gia, thể hiện tiếng nói, vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, đặc biệt là các khuôn khổ hợp tác đa phương trong các lĩnh vực chuyên ngành về tài nguyên và môi trường.
Đối với các khuôn khổ hợp tác đa phương mà Việt Nam là thành viên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang chú trọng tham gia xây dựng Trụ cột Văn hóa - Xã hội trong Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò điều phối trong nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu; thúc đẩy các nội dung về tài nguyên và môi trường trong chương trình nghị sự của các khuôn khổ hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu, như Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)...
Đối với các khuôn khổ hợp tác đa phương mà Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia, Bộ đã đặt ưu tiên cao nhất để thực hiện hội nhập sâu với sự tham gia hiện diện đầy đủ, tham gia thể hiện tiếng nói quan điểm, và thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong các khuôn khổ này, như Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), các Công ước đa quốc gia về môi trường (Basel, Stockholm, Rotterdam, Đa dạng Sinh học, Ramsar, ...), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC)...
Tích cực tham gia đàm phán về môi trường và biến đổi khí hậu trong khuôn khổ WTO, FTA và các khuôn khổ khác
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia đối thoại và đàm phán về môi trường và biến đổi khí hậu, đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO và các FTA.
Về đàm phán về biến đổi khí hậu, trong khoảng một thập kỷ vừa qua, các phiên đàm phán của các bên thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã diễn ra gay go, phức tạp. Quan điểm, ý kiến giữa các nhóm nước chính, đặc biệt giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển còn rất khác nhau và ngay giữa các nước trong cùng một nhóm nước cũng rất phân tán, kết quả tại nhiều phiên đàm phán khá mờ nhạt. Tuy nhiên, tại Kỳ họp lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris năm 2015, lần đầu tiên một thỏa thuận toàn cầu về giảm biến đổi khí hậu (Thỏa thuận Paris), đã được thông qua với sự tán thành bởi gần như tất cả các quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia Lễ ký kết Thỏa thuận Paris tại New York ngày 22/4/2016. Tại Lễ ký kết này, 175 trên tổng số 197 Bên đã tham gia ký Thỏa thuận, trong đó có 15 Bên đã nộp văn bản phê chuẩn. Thỏa thuận Paris đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016.
Với Việt Nam, việc tham gia ký kết cũng như sớm phê duyệt Thỏa thuận trên đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Đồng thời, với việc tham gia ký kết Thỏa thuận, Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội và chuyển hóa các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thành những cơ hội mới, phục vụ phát triển đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Về đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO và các FTA, đàm phán nội dung liên quan đến môi trường đã và đang dần trở thành một xu hướng trên thế giới hiện nay và trong tương lai do nhiều quốc gia quan điểm rằng các hoạt động kinh doanh thương mại và bảo vệ môi trường, duy trì phát triển bền vững có tính chất tương hỗ không thể tách rời và thúc đẩy lẫn nhau.
Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia đàm phán một số FTA song phương và đa phương có nội dung về môi trường và phát triển bền vững. Hầu hết các FTA này đã kết thúc đàm phán và chuẩn bị đi vào giai đoạn thực thi (2018-2025) gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do Châu Âu (Hiệp định EFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Hiệp định VCUFTA). Ngoài những Hiệp định trên, một số Hiệp định song phương và đa phương khác như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP); Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA) trong quá trình đàm phán cũng đã xuất hiện các đề xuất đưa môi trường và phát triển bền vững vào thành nội dung đàm phán chính thức.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nói chung do các hiệp định này mang lại, cũng nảy sinh những thách thức liên quan đến các nghĩa vụ được cam kết trong các chương môi trường hay phát triển bền vững của các FTA mà Việt Nam chưa thể giải quyết trong tương lai gần, cần xem xét giải quyết từng bước theo mức ưu tiên và khả năng nguồn lực cho phép.
Trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2021
Từ nay đến năm 2021, cần tập trung vào những trọng tâm để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường:
Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới” trong tình hình mới gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng.
Hai là, không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động hợp tác công - tư. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; quản lý chặt chẽ nợ công, bao gồm cả vay nợ nước ngoài.
Ba là, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế; xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực thương mại tự do với các đối tác kinh tế - thương mại quan trọng trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích và khả năng của đất nước; chủ động, tích cực tham gia xây dựng các quy tắc và luật lệ chung.
Nguồn: http://monre.gov.vn
- Bác Hồ và sự nghiệp xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam (20.06.2022)
- Khởi động chiến dịch “Thử thách TikTok - Vũ Điệu Đại Dương Xanh” (16.06.2022)
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cùng chung tay xây dựng tương lai “Ngôi nhà chung - Trái đất (16.06.2022)
- Phân loại rác tại nguồn - vì một nền kinh tế tuần hoàn bền vững: Rác thải sẽ phải phân thành 3 loại (16.06.2022)
- BD triển khai CT của TTCP về một số NV,GP cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang di cư tại Việt Nam (15.06.2022)
- Bình Dương tổ chức lớp đào tạo, tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu (15.06.2022)
- Bình Dương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2022 (15.06.2022)
- Sôi nổi hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (15.06.2022)
- Bình Dương: Tổ chức đánh giá và xây dựng Sách Xanh năm 2022 (15.06.2022)
- Bình Dương: Tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 (15.06.2022)