Báo cáo tài nguyên nước (TNN) quốc gia giai đoạn 2016-2021 cho thấy, việc hơn 20 hồ thủy điện lớn được đầu tư xây dựng ở các quốc gia thượng nguồn trên lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng đã và đang đặt ra những bài toán khó về an ninh nguồn nước cho các quốc gia ở khu vực hạ nguồn. Trong bối cảnh chung hạn hán xảy ra trên diện rộng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án sử dụng hiệu quả và có phương án bảo đảm an ninh nguồn nước dựa theo quy hoạch phát triển chung của cả nước.
Có thể nói, hiện nay chất lượng và trữ lượng nguồn nước các loại từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang đứng trước nguy cơ suy thoái đáng kể. Cụ thể, theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ở các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có khoảng 80% dân số và trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ chỉ có khoảng 40% lượng nước của cả nước. Trong khi đó, 60% lượng nước còn lại đang được phân bố ở các khu vực có mật độ dân cư thấp và có ít tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN&MT, thời gian qua ngành TN&MT tỉnh đã giao các phòng ban, đơn vị chuyên môn cấp tập triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và xây dựng phương án bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn TNN theo quy định của Luật TNN và các nghị định, thông tư hiện hành.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng TNN, khoáng sản, khí tượng thủy văn thuộc Sở TN&MT, cho biết dựa theo tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu (dự kiến) về TNN trong vòng 25 năm tới, ngành TN&MT tỉnh đã tham mưu tỉnh chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước. Hiện, hệ thống các hồ, đập chứa nước phục vụ hoạt động cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Để kiện toàn giải pháp an ninh nguồn nước, bảo đảm người dân, doanh nghiệp luôn có đủ nguồn TNN sử dụng sinh hoạt, sản xuất và tưới tiêu nông nghiệp, thời gian qua ngành TN&MT cũng chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương trình cấp thẩm quyền phương án xây dựng hệ thống kênh mương cấp thoát nước. Chủ động dẫn nguồn nước bảo đảm chất lượng về khu vực các hồ dự trữ để đưa ra sử dụng trong trường hợp cần kíp.
Nguồn: https://baobinhduong.vn
- Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 (18.11.2022)
- COP 27: Việt Nam nâng mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (18.11.2022)
- COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung (18.11.2022)
- Người trẻ hào hứng với chiến dịch xanh (18.11.2022)
- Thủ tướng: Vì một ASEAN tự cường, mạnh mẽ, phát triển bền vững, bao trùm (11.11.2022)
- Xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu cho chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải (11.11.2022)
- Lan tỏa thông điệp về môi trường, cùng hành động trong chiến dịch phủ xanh Việt Nam (11.11.2022)
- Bộ TN&MT phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (10.11.2022)
- Quỹ bảo vệ môi trường Bình Dương: Nguồn lực ý nghĩa để xây dựng môi trường sống xanh (10.11.2022)
- Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm (28.10.2022)