Sáng 23-8, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS).
Nhiều chuyển biến tích cực trong CCHC và CĐS
Theo báo cáo, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nguồn lực của tỉnh chủ yếu phục vụ tập trung cho công tác phòng, chống dịch; công tác CĐS của tỉnh chưa thực hiện nhiều công việc theo chiều sâu và bám sát bộ tiêu chí đánh giá của Quốc gia nhưng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh thành phố, tăng 09 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh thành phố).
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện CĐS đã hỗ trợ công tác CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp, các ngành đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ về CĐS, bám sát quan điểm, mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định CĐS là sự thay đổi mang tính toàn diện từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức và người dân trong mọi lĩnh vực, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, ưu tiên chọn thực hiện việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh được đầu tư, kết nối hoàn thiện, phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính phủ số. Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử được triển khai dùng chung cho tất cả 19 sở ngành, 09 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông bốn cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống. Nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính trị - xã hội cơ bản được duy trì ổn định qua các năm. Việc ứng dụng CNTT trong nhân dân, doanh nghiệp có nhiều thay đổi theo hướng tích cực như việc tiếp cận thông tin trên môi trường mạng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Đối với công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cải cách thể chế đã được thực hiện theo đúng quy định, thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản hoá. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được chú trọng thực hiện. Bộ máy đã được tinh gọn, giảm đầu mối, phần nào khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 kể từ ngày 01/01/2022.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai toàn diện, đồng bộ ở cả 03 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã). Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Thủ Dầu Một tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Bộ phận một cửa hiện đại được triển khai tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện); các trang thiết bị phần cứng, phần mềm được đầu tư đúng chuẩn. Bộ phận một cửa cấp xã thường xuyên được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động của các địa phương; phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ đối với 100% xã, phường, thị trấn.
Kiến nghị các giải pháp để khắc phục vướng mắc
Tại buổi giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã lắng nghe những vướng mắc của các ngành, địa phương về khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt, việc thực hiện chữ ký số, chưa có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu dùng chung nên khó khăn để thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3 và 4. Bên cạnh đó, Bình Dương có dân số đông, nhưng số lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn thấp, khó đáp ứng nhu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời việc thực hiện CCHC và CĐS gặp phải những khó khăn do cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ hướng dẫn còn thấp.
Thông qua các buổi giám sát chuyên đề tại nhiều địa phương, đơn vị, các đại biểu trong Đoàn giám sát Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất kiến nghị tỉnh các giải pháp khắc phục những điểm nghẽn trong thực hiện CĐS và CCHC.
Ông Lai Xuân Thành – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong CĐS và CCHC
Ông Lai Xuân Thành – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh cho rằng, UBND tỉnh nên thành lập Tổ công tác do 3 cơ quan đầu mối là Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Hành chính công tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với các sở ngành để rà soát, thống nhất về thể chế liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), quy trình thanh toán trực tuyến. Theo ông, tâm lý người dân vẫn còn e ngại chưa quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, do đó đội ngũ tình nguyện viên không làm thay mà cần hướng dẫn tận tình để người dân quen dần với thao tác.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4 đối với một số thủ tục còn vướng mắc do quy định về giấy tờ, nhiều khâu nên người dân khó thực hiện. Đơn cử như DVCTT mức độ 4 lĩnh vực đất đai, hiện có rất nhiều hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì các hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm trực tiếp.
Ông Hà Thúc Viên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức đề xuất, đối với các vướng mắc liên quan đến quy định luật pháp, các sở ngành cần liệt kê cụ thể để tỉnh có cơ sở kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sửa đổi phù hợp với thực tiễn.
Nhiều địa phương có quy mô dân số đông nhưng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quá "mỏng" không đáp ứng khối lượng công việc. Ông Hà Thúc Viên kiến nghị tỉnh nên đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét phân bổ cán bộ, công chức, viên chức dựa theo đặc thù, quy mô dân số địa phương để đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ.
Mục tiêu của CCHC là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, theo ông Viên cũng cần phải quan tâm đội ngũ phụ trách công tác hành chính về chế độ lương bổng, điều kiện làm việc. Theo ông, mức phụ cấp cho tình nguyện viên CCHC chỉ 400.000 đồng/tháng còn quá thấp, cần đề xuất để thay đổi. Đối với công tác CĐS, tỉnh cần xác định lĩnh vực ưu tiên và xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp với sự phát triển của xã hội; cơ sở vật chất, trang thiết bị phải tương thích giữa hệ thống nhà nước và năng lực của xã hội.
Còn ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Becamex IDC cho rằng, cần hợp nhất phần mềm Bộ phận một cửa và Dịch vụ công trực tuyến, số hóa minh bạch TTHC để người dân được giám sát.
Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Qua ý kiến phát biểu của chuyên gia và đại biểu, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành khẩn trương rà soát quy trình nhiệm vụ, chức năng và báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc các nội dung liên quan đến Luật để kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân đánh giá, UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương đã chủ động, quyết liệt, khẩn trương trong công tác chỉ đạo điều hành triển khai CĐS và CCHC. Đoàn Giám sát kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Trong đó cần xây dựng kết nối dữ liệu quy trình thủ tục thống nhất trong toàn tỉnh, đảm bảo nguồn lực, nhân lực cho CCHC, CĐS. Xây dựng cơ chế đặc thù cho chính quyền đô thị; khắc phục những vướng mắc về cơ sở lưu trữ tập trung và mã hóa hồ sơ để đảm bảo tính bảo mật. Xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho tỉnh Bình Dương: có chế độ, chính sách cho tình nguyện viên, cán bộ, công chức Bộ phận một cửa. Khẩn trương tham mưu tiêu chí đánh giá về TTHC và CĐS; rà soát đánh giá toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thiết bị và cơ sở dữ liệu…
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương - http:// Binhduong.gov.vn
- Thông báo số 765/TB-HĐTDVC ngày 19/08/2022 Danh sách các ứng viên đủ điền kiện tuyển viên chức, danh (19.08.2022)
- Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022 (19.08.2022)
- Thách thức trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 (19.08.2022)
- Sức sống xanh ở đảo Trường Sa sau 45 năm giải phóng (19.08.2022)
- Hội nghị khoa học Việt Nam về Các khoa học Trái đất và Môi trường lần thứ 2– VCEES 2022 (19.08.2022)
- Bàn giao hơn 150 trạm đo mưa tự động phục vụ cảnh báo thiên tai (19.08.2022)
- Giải bài toán thu hút nguồn lực quốc tế cho phát triển bền vững (17.08.2022)
- Bộ TN&MT - Đại sứ quán Na Uy thúc đẩy hợp tác chiến lược về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (17.08.2022)
- Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăn (17.08.2022)
- Thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu: Việt Nam giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải (17.08.2022)