Vai trò của ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam trong cộng đồng KTTV quốc tế được xây dựng và củng cố theo năm tháng, năm 2019, Việt Nam đã lần đầu tiên được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á (RA-II) và đến năm 2023, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi đóng góp cho Hiệp hội nói riêng và cộng đồng KTTV trên thế giới nói chung, Việt Nam đã được tất cả các thành viên trong RAII tín nhiệm giữ chức Quyền Chủ tịch Hiệp hội. Đây là một vinh dự nhưng cũng đi đôi với trách nhiệm, bởi vậy chúng ta càng phải nỗ lực nhiều hơn để có thể thực hiện tốt vai trò mà các bạn quốc tế đã tin tưởng giao cho chúng ta đảm nhiệm.
RAII đang đi đúng hướng nhằm thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược ưu tiên
Tại khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) diễn ra từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, tại Geneva, Thụy Sỹ, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đã được bầu là Quyền Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á và đồng thời cũng là Thành viên của Hội đồng Điều hành WMO. Kể từ đó, Việt Nam đã cùng các thành viên của WMO trong khu vực châu Á đưa ra định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội, qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội.
GS.TS. Trần Hồng Thái cho biết: Mặc dù chưa đi hết nhiệm kỳ 2021 - 2024, tuy nhiên RAII đã rất thành công trong việc triển khai một cách đầy đủ, kịp thời và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, vai trò của RAII theo định hướng của Đại hội đồng Khí tượng Thế giới lần thứ 19 (Cg-19) và Kế hoạch chiến lược ưu tiên của RAII trong giai đoạn 2021-2024 đã đề ra.
GS.TS Trần Hồng Thái, Trưởng đoàn Việt Nam gặp gỡ, trao đổi bên lề với GS. Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO tại Cg-19
Trên cơ sở đồng thuận, thống nhất của các thành viên trong Hiệp hội, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Ban Thư ký WMO, Cộng đồng RAII đã tập trung cải tổ, tái cấu trúc theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn, phù hợp với bối cảnh toàn cầu mới và theo đúng định hướng tái cấu trúc của WMO. Nhờ tái cấu trúc nhanh chóng và hiệu quả, các công tác của RAII luôn đi đúng định hướng của WMO, tận dụng được các nguồn lực của WMO để bảo đảm thực hiện thành công các Kế hoạch chiến lược ưu tiên của Hiệp hội giai đoạn 2021-2024 thông qua các chương trình như: Mạng lưới quan trắc cơ bản toàn cầu, Hệ thống cảnh báo đa nguy cơ toàn cầu, Hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ, Hệ thống dự báo và xử lý dữ liệu toàn cầu, Hệ thống thông tin của WMO, các Trung tâm KTTV chuyên ngành được WMO giao chủ trì…
Đặc biệt, RAII đã nhanh chóng, kịp thời kêu gọi các nước thành viên đóng góp đáng kể về nguồn lực tài chính, kỹ thuật để triển khai sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Cảnh báo sớm cho tất cả với mục đích trong vòng 5 năm tới, tất các bản tin thời tiết, thiên tai sẽ được đưa tới tất cả người dân trên thế giới một cách nhanh chóng đầy đủ nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu.
WMO đánh giá rất cao những nỗ lực và đóng góp của Hiệp hội đối với cộng đồng khí tượng thủy văn trong khu vực và trên toàn thế giới. Minh chứng rõ ràng đó là tại Khóa họp Đại hội đồng WMO lần thứ 19 diễn ra từ 23/5-2/6/2023, cộng đồng RAII rất vinh dự, tự hào khi được hầu hết thành viên WMO tín nhiệm, giới thiệu đại diện của RAII bầu cử và trúng cử một số vị trí quản lý chủ chốt của WMO giai đoạn 2023-2027 như: Chủ tịch WMO, Phó Chủ tịch thứ 3 của WMO và 6 vị trí Hội đồng điều hành WMO.
Quyền Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á nhận định, nhìn chung, các hoạt động của RAII đang đi đúng hướng nhằm thực hiện thành công tất cả các nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch chiến lược ưu tiên của Hiệp hội trong giai đoạn 2021-2024, góp phần không nhỏ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội bền vững ở châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung.
Xác định rõ phương hướng hợp tác nâng tầm vị thế của Việt Nam
Để có thể thực hiện tốt vai trò mà các bạn quốc tế đã tin tưởng giao cho Việt Nam đảm nhiệm, GS.TS. Trần Hồng Thái cho biết, Ngành KTTV Việt Nam trong thời gian tới cần có những bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa công nghệ quan trắc với chú trọng lấp đầy khoảng trống số liệu KTTV trên biển, vùng sâu, vùng xa; ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 trong tổ chức, quản lý và truyền tin dữ liệu KTTV; dự báo sớm, chi tiết KTTV bằng công nghệ hiện đại và đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm sử dụng hiệu quả các thông tin KTTV.
GS.TS. Trần Hồng Thái chỉ ra một số phương hướng hoạt động hợp tác quốc tế của chúng ta trong thời gian tới như: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của KTTV Việt Nam đối với công tác của Hiệp hội và WMO, khẳng định vai trò của Chủ tịch của Hiệp hội trong quản lý và điều phối các hoạt động của Hiệp hội hướng tới thực hiện thành công các nhiệm vụ của Hiệp hội trong gian đoạn 2021-2024.
Tại khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của WMO diễn ra từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2023, tại Geneva, Thụy Sỹ, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV được bầu là Quyền Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á
Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực của các Trung tâm khu vực, trong đó có các Trung tâm khu vực mà Việt Nam đang được giao trọng trách làm đầu mối như Trung tâm hỗ trợ dự báo cảnh báo thời tiết nguy hiểm, Trung tâm hỗ trợ dự báo lũ quét và sạt lở đất khu vực Đông Nam Á, nhằm nâng cao năng lực, trình độ, vị thế cho ngành KTTV Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi và chia sẻ số liệu quan trắc cảnh báo, dự báo giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực nói riêng và trong cộng đồng của WMO nói chung; chủ động mở rộng phạm vi cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV trên các vùng lãnh thổ, các vùng biên giới, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam với các đối tác quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam, góp phần bảo vệ biên giới, an ninh biển đảo quốc gia.
Hơn nữa, tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, đối tác quốc tế nâng cao năng lực dự báo cảnh báo của Việt Nam, đặc biệt tăng cường các hợp tác đối tác, hỗ trợ các quốc gia trong khu vực, nhất là các quốc gia ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới liên quan đến Việt Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi với cộng đồng KTTV thế giới trong ứng dụng các công nghệ, mô hình tiên tiến, đặc biệt các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong quan trắc, truyền tin, xử lý dữ liệu, dự báo, cảnh báo và truyền thông KTTV.
Ngoài ra, tiếp tục đào tạo, cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia vào các cơ quan, tổ chức, diễn đàn điều hành của WMO và các tổ chức quốc tế khác về KTTV. “Với vị thế ngành KTTV đạt được trong thời gian qua, chúng ta có thể tự tin rằng trong thời gian tới ngành KTTV Việt Nam có thể tiếp tục được giao các trọng trách cao hơn như Phó Chủ tịch WMO, Chủ tịch WMO hoặc các vị trí quan trọng khác là hoàn toàn có thể xảy ra”, GS.TS. Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Đề xuất sáng kiến phát triển Hiệp hội khí tượng Châu Á
Với mong muốn Hiệp hội hoạt động hiệu quả hơn và với tư cách là đại diện của Việt Nam giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội, GS.TS. Trần Hồng Thái cho rằng Ban lãnh đạo và các thành viên trong Hiệp hội khí tượng Châu Á đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra theo Kế hoạch chiến lược ưu tiên của RAII trong giai đoạn 2021-2024, đồng thời tiếp tục rà soát cập nhật bổ sung kế hoạch phù hợp với các định hướng mới của WMO, trong đó nổi bật là triển khai sáng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Cảnh báo sớm cho tất cả.
Để có thể triển khai tốt các nhiệm vụ này, đặc biệt trong bối cảnh thời gian nhiệm kỳ 2021-2024 cũng sắp kết thúc, đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ các thành viên và ban lãnh đạo của Hiệp hội cùng sự hỗ trợ của WMO. Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội, GS.TS. Trần Hồng Thái cũng đã đề xuất các sáng kiến của mình với WMO, cùng các thành viên RAII nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.
Thứ nhất, Hiệp hội cần thúc đẩy hợp tác chiến lược, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, trong tiểu khu vực thông qua các hoạt động song phương và đa phương, trong các chương trình của WMO; đồng thời tăng cường hợp tác giữa RAII và các Hiệp hội khu vực khác; tổng hợp tất cả các nội dung hợp tác liên khu vực, khu vực và tiểu khu vực vào Kế hoạch chiến lược ưu tiên của RAII trong giai đoạn 2021-2024.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các ban kỹ thuật của WMO với các hiệp hội khí tượng khu vực thông qua các nhóm kỹ thuật, thậm chí là các nhóm chuyên gia của các Hiệp hội để từ đó các định hướng của WMO sẽ được thực hiện đồng nhất và xuyên suốt tới từng Hiệp hội khu vực và quốc gia.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trực thuộc Tổng cục KTTV và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ)
Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện hệ thống quan trắc trong Mạng lưới quan trắc cơ bản toàn cầu (GBON) và Hệ thống quan trắc tích hợp toàn cầu (WIGOS), để từ đó tăng cường chia sẻ dữ liệu quan trắc của các quốc gia trong khu vực, và các quốc gia trên toàn thế giới làm nền tảng cho việc tăng cường độ chính xác cho các mô hình dự báo toàn cầu và mô hình dự báo khu vực, từ đó nâng cao năng lực dự báo cảnh báo KTTV của từng quốc gia. Trong thế giới nhiều thách thức hiện nay, đặc biệt là thách thức đến từ biến đổi khí hậu, việc chia sẻ số liệu từ các mạng lưới quan trắc có ý nghĩa sống còn với nhân loại.
Thứ tư, khuyến khích và đẩy mạnh việc trao đổi ứng dụng các công nghệ dự báo hiện đại, đặc biệt chia sẻ các sản phẩm dự báo từ các mô hình dự báo hiện đại. Các quốc gia phát triển, các quốc gia có nền KTTV mạnh hơn có nghĩa vụ hỗ trợ, và chia sẻ việc ứng dụng các công nghệ dự báo hiện đại, các sản phẩm của các mô hình dự báo toàn cầu, mô hình dự báo khu vực, thậm chí sản phẩm cảnh báo dự báo cho các quốc gia chưa hoặc không có năng lực chạy mô hình dự báo từ các quốc gia đang phát triển, các quốc gia kém phát triển. Từ đó cùng nhau chúng ta tạo nên một hệ thống toàn cầu có khả năng cung cấp các thông tin cảnh báo dự báo KTTV chính xác tới từng người dân trên thế giới.
Thứ năm, RAII sẽ tiếp tục thúc đẩy và kêu gọi tăng cường việc chia sẻ, hỗ trợ nguồn lực từ các nước phát triển tới các nước đang phát triển, kém phát triển hơn trong RAII; thúc đẩy việc kết nối của RAII với các tổ chức của Liên hợp quốc, các Quỹ phát triển: Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ tài chính xanh (GCF), Quỹ thích ứng (AF), nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, nâng cao nghiệp vụ dự báo KTTV, cải tiến thay đổi nội dung, hình thức truyền tin thiên tai theo khuyến cáo của WMO cho các nước đang phát triển, kém phát triển vì một mục tiêu chung về một Châu Á an toàn, hòa bình và thịnh vượng.
Nguồn: Mai Đan (https://baotainguyenmoitruong.vn)
- Kết thúc COP 28: Thỏa thuận mới khép dần kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch (18.12.2023)
- Địa kỹ thuật là "chìa khoá" tạo dựng không gian sống an toàn, bền vững (18.12.2023)
- Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc (18.12.2023)
- Bình Dương tổ chức lớp đào tạo, tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu (18.12.2023)
- Những điều cần biết về Chuyển đổi số (18.12.2023)
- QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC 2023, Bước tiến lớn trong thay đổi tư duy và phương thức quả (11.12.2023)
- Xuất khẩu xanh - Xu thế tất yếu trong cuộc chơi toàn cầu (05.12.2023)
- Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á cần sự hợp tác của các Quốc gia (05.12.2023)
- Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác (05.12.2023)
- Việt Nam quyết tâm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải khí nhà (05.12.2023)