(TN&MT) - Tại Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật tới Ban thư ký Công ước. So với NDC năm 2020, NDC cập nhật 2022 đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).
Trong đó, đóng góp không điều kiện (Unconditional Contribution) là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia được thực hiện bằng các nguồn lực gồm: ngân sách Nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân. Đóng góp có điều kiện (Conditional Contribution) là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia khi được quốc tế cung cấp thêm tài chính một cách thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris.
Phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Việc thực hiện NDC 2022 phù hợp với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và các biện pháp thực hiện Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan. Toàn nền kinh tế sẽ tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu này, trong đó, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính quốc gia của giai đoạn 2021-2030 được xác định cho 5 lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, LULUCF (Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp), chất thải và các quá trình công nghiệp.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP 27, diễn ra từ ngày 6 - 18/11 tại Ai Cập
Lĩnh vực năng lượng sẽ tập trung giảm phát thải trong sử dụng năng lượng và cung cấp năng lượng. Cụ thể, sử dụng điều hòa nhiệt độ và thiết bị lạnh hiệu suất cao trong dịch vụ thương mại và gia dụng; sử dụng đèn thắp sáng tiết kiệm điện; sử dụng thiết bị đun nước nóng mặt trời; sử dụng khí sinh học và nhiên liệu sạch hơn thay than cho đun nấu gia đình ở nông thôn; sử dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp; sử dụng các thiết bị điện, thiết bị lạnh hiệu suất cao trong dịch vụ, thương mại và công nghiệp; cải tiến, phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải; giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới; chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hóa; tăng hệ số tải của ô tô; sử dụng CNG và nhiên liệu sinh học; sử dụng các loại xe máy, ô tô, xe buýt chạy điện.
Giải pháp giảm phát thải trong cung cấp năng lượng gồm: Phát triển năng lượng tái tạo như thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, mặt trời; phát triển nhiệt điện sinh khối, điện rác thiêu đốt và điện rác chôn lấp, điện khí sinh học; sử dụng công nghệ tua-bin khí hỗn hợp dùng LNG; phát triển công nghệ nhiệt điện cực siêu tới hạn.
Lĩnh vực nông nghiệp sẽ ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp; áp dụng các công nghệ trong trồng trọt như tưới khô ướt xen kẽ và SRI ở vùng có hạ tầng đầy đủ; hiện đại hoá tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước giữa vụ trong canh tác lúa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả thành đất cây trồng cạn hoặc đất tôm - lúa; bón phân compost và nông nghiệp hữu cơ; thay phân đạm bằng các loại phân chậm tan, phân hóa chậm; cải thiện khẩu phần ăn gia súc nhai lại; tuần hoàn chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ; phát triển sử dụng khí sinh học.
Giảm phát thải khí mê-tan trong các tiểu lĩnh vực, đặc biệt là canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp là các biện pháp nhằm thực hiện tuyên bố của Việt Nam tại COP26, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 2020.
Các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực LULUCF thể hiện quyết tâm của Việt Nam thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Cụ thể, thực hiện bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi, trong đó, ưu tiên các điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng; bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Lĩnh vực chất thải sẽ thực hiện các biện pháp quản lý, giảm phát sinh chất thải rắn; phát triển và áp dụng công nghệ tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost và nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải (RDF); thu hồi, đốt và sử dụng khí mê-tan từ bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý kỵ khí có thu hồi khí mê-tan cho phát điện; tối ưu hóa điều kiện xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học để loại bỏ khí mê-tan từ quá trình xử lý nước thải sinh hoạt; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp.
Lĩnh vực các quá trình công nghiệp tập trung chuyển đổi, sử dụng phụ gia khoáng thiên nhiên thay thế clinker; sử dụng phụ gia là phế thải từ các ngành công nghiệp thay thế clinker; áp dụng công nghệ tốt nhất (cải tiến công nghệ BOF) để giảm phát thải N2O cho ngành hóa chất; áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải trong ngành thép; sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu; thu hồi, tái chế và tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn HFCs.
Thể hiện quyết tâm của Việt Nam
So với NDC 2020, đóng góp không điều kiện trong NDC 2022 đã giảm thêm 62,4 triệu tấn CO2tđ, tỉ lệ giảm phát thải so với BAU giảm thêm 6,8%. Tương tự, đóng góp có điều kiện trong NDC 2022 giảm thêm 153,0 triệu tấn CO2tđ và tỷ lệ giảm thêm 16,5%. Các giả thiết sử dụng trong tính toán giảm phát thải được cập nhật trên cơ sở kế hoạch thực hiện cam kết COP26 của các Bộ, ngành liên quan, bổ sung các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp.
Nguồn: Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cập nhật năm 2022
NDC 2022 cũng xác định các biện pháp giảm phát thải, tăng cường hấp thụ các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất; các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan nhằm giảm 30% lượng phát thải mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020 theo Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu. NDC cập nhật một lần nữa khẳng định quyết tâm cao nhất của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Hội nghị COP 26.
NDC cập nhật cũng phân tích rõ đồng lợi ích của các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực LULUCF, năng lượng và các quá trình công nghiệp có tiềm năng đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội cao hơn so với lĩnh vực nông nghiệp và chất thải.
Các hành động giảm phát thải đóng góp cho thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc góp phần nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng và của cơ sở hạ tầng. Trong đó, lĩnh vực LULUCF đóng góp nhiều nhất với các hoạt động về bảo vệ rừng, trồng rừng, tái tạo rừng và quản lý rừng bền vững, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các biện pháp có mức độ hài hòa nhất là các hành động liên quan đến áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải cho ngành hóa chất, ngành thép và sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu (các quá trình công nghiệp); các biện pháp liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hành nông nghiệp hữu cơ (lĩnh vực nông nghiệp); phát triển khí sinh học thay than cho đun nấu ở nông thôn; gia nhiệt trong máy cán thép; phun than antracit bột vào lò cao, và các giải pháp bên cung cấp năng lượng (ngành năng lượng). Việc thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong NDC 2022 sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo tổ chức Bloomberg, trong năm 2021, Việt Nam là một trong số 10 nước thu hút được 50,4 tỷ đô la Mỹ tài chính xanh, chiếm 76% nguồn tài chính xanh cho thị trường mới nổi. Thị trường trái phiếu, tín dụng xanh của Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh với tổng giá trị tín dụng xanh đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp năm lần mức 0,3 tỷ USD của năm 2020, chủ yếu từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) về phát hành nợ xanh, đạt 1 tỷ USD năm 2021. |
Nguồn: Khánh Ly
- Chỉ số chất lương nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Lễ khởi động dự án chuyển đổi số của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (06.08.2024)
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi nâng cao tay nghề, sáng kiến (30.07.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 06 năm 2024 (15.07.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 6 năm 2024 (15.07.2024)
- Bình Dương hưởng ứng ngày môi trường thế giới 2024 (11.06.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 5 năm 2024 (07.06.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 5 năm 2024 (07.06.2024)
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6), Tháng hành động vì môi trường (05.06.2024)