Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh - Bài 2: Xanh từ Phan Rí ra miền Cù Lao

Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh - Bài 2: Xanh từ Phan Rí ra miền Cù Lao

Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh - Bài 2: Xanh từ Phan Rí ra miền Cù Lao

Từ ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh - Bài 2: Xanh từ Phan Rí ra miền Cù Lao

    (TN&MT) - Người Phan Rí Cửa bảo rằng, phải chặn ô nhiễm trắng từ bờ thì mới mong thực hiện được khát vọng xanh nơi biển. Vì thế mà người Cù Lao Khoai Xứ phải cố gắng làm xanh, làm sạch biển, để vừa không uổng công người Phan Rí Cửa, vừa chung tay thực hiện khát vọng xanh.

    Họ đã từng nói với nhau như thế đó. Giờ thì họ vừa đi lặn nhặt rác từ các bãi san hô về, vừa kể chuyện chung tay làm giảm rác thải đại dương một cách nhiệt tình, vui vẻ. Một người trong bọn họ mang về vỏ ốc lớn, mấy cô gái, chàng trai thay nhau áp tai vào để nghe tiếng thì thầm của sóng biển, hai mắt mơ màng… Một nhóm khác vừa kéo những chiếc bao đựng rác đến chỗ tập kết vừa cất tiếng hát:

    “Ta chung tay xây đóa hoa đời

    Cho đẹp thêm đảo xanh Phú Quý…”

    Đó là một trong nhiều nhóm thanh niên tự nguyện với đủ thứ nghề nghiệp, họ đều thể hiện tình yêu của mình với quê hương Cù Lao Khoai Xứ nhẹ nhàng, tự nhiên như thế.

    Bãi Triều Dương (đảo Phú Quý) luôn được giữ sạch sẽ

    Đảo Phú Quý (Poulo cecir de mer) ngoài khơi biển Bình Thuận còn có tên khác là Hòn Khoai, hay Cù Lao Khoai Xứ. Hòn đảo giữa trùng dương này luôn cuốn hút tôi. Cũng bởi tôi có nhiều người thân, bạn bè, học trò thương thuộc ở đây, nên có cơ hội là tôi lên tàu nhằm hướng Đông trực chỉ.

    Lần ra đảo này, em Ngô Văn Linh (Huấn), một bạn trẻ làm du lịch đã chở tôi đến tiếp cận với các nhóm bạn trẻ tự nguyện làm vệ sinh bãi biển và các rạn san hô. Trưởng nhóm Nguyễn Văn Giỏi cho biết: Đặc điểm của đảo là bờ biển bao quanh, rác tấp vào nhiều ít tùy theo con nước và mùa gió. Bấc thổi thì khu nhà lồng bè nuôi cá tôm rác tấp nhiều. Mùa gió Nam thì rác lại tấp vào khu bến cảng. Vậy nên, đảo chỉ có ba xã mà tháng nào, tuần nào tụi em cũng có việc làm…”

    Đứng trên đồi cao nhìn xuống bãi tắm Triều Dương, tôi cứ lâng lâng một cảm xúc khó tả. Đường lượn cong của bãi biển mịn sạch, đẹp đến mê hồn. Ngoài xa kia là bãi tắm Hòn Tranh nước trong xanh như ngọc. Tôi hiểu, để giữ được vẻ đẹp hoàn mỹ ấy, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã vào cuộc, tích cực thực hiện Kế hoạch 72 của UBND huyện đảo Phú Quý về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên toàn địa bàn huyện đảo. Kế hoạch nhấn mạnh việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất, lưu thông, sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa. Cụ thể là xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.

    Vài năm nay, toàn huyện đảo đã xây dựng được các mô hình tình nguyện thu gom rác thải, phát động phong trào “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”, tăng cường tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Quả là nơi đảo tiền tiêu xa xôi này, tôi đã “mục sở thị” được một sự đổi thay nhận thức đối với môi trường sống. Ở các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải, đâu đâu tôi cũng thấy các khẩu hiệu: “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy”.

    Nhặt rác trên bãi biển Cù Lao Khoai Xứ (Phú Quý)

    Ông Đỗ Hải - Chánh Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện Phú Quý đưa tôi đến tham quan Nhà máy xử lý và tái chế rác Đa Lộc tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Đây là nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 66 tỷ đồng, được xây dựng và đưa vào hoạt động, là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần khắc phục được tình trạng ùn ứ rác thải tại bãi chôn lấp rác sinh hoạt tập trung từ nhiều năm trước đây. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến rác thải rắn sinh hoạt được đưa đến nhà máy và xử lý bằng phương pháp đốt hợp vệ sinh. Một người phụ trách ở đây cho biết: Nhà máy được lắp đặt công nghệ mới, có quy mô xử lý 70 tấn rác/ngày, sẽ giải quyết 100% lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương và lượng rác thải hiện đang tồn đọng, đồng thời, tận thu nguồn chất thải có khả năng tái chế, sản xuất phân vi sinh từ rác.

    Tại trường THPT Ngô Quyền, chúng tôi được Ban Giám hiệu cho biết: Hoạt động bảo vệ môi trường luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên, như tổ chức cho học sinh nhặt rác, làm sạch bãi biển, dạy cho các em phân loại rác hữu cơ và vô cơ ngay tại trường. Mùa hè nào nhà trường cũng phối hợp với Huyện Đoàn trong các chiến dịch ra quân dọn sạch bãi biển. Năm học vừa qua, nổi bật trong ý thức và trong đóng góp bảo vệ môi trường biển có em Nguyễn Thị Huệ Tịnh (12A1), Nguyễn Bảo Lộc (12A3)…

    Với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận được giao tổ chức triển khai, thực hiện dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” trên địa bàn huyện đảo Phú Quý giai đoạn 2020 - 2022. Sau một năm triển khai thực hiện, Ban Điều hành dự án tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực và truyền thông như: 3 lớp TOT cho nhóm cán bộ nòng cốt,13 lớp tập huấn cho hộ gia đình, thành viên tham gia các mô hình, phát hành nhiều bộ tài liệu tuyên truyền với 5 chuyên đề, cấp phát 3.400 tờ rơi, lắp đặt 9 pano tại các khu dân cư, cấp phát 516 thùng rác các loại; xây dựng 9 mô hình tàu cá và tàu du lịch không sử dụng rác thải nhựa, khu dân cư, hộ gia đình phân loại rác thải tại nhà, mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Trường THPT Ngô Quyền, mô hình sinh kế, hỗ trợ 135 triệu đồng cho 27 phụ nữ tham gia tổ thu mua ve chai, phế liệu, tổ tự quản tham gia làm phân compost…, bước đầu các tổ thu mua hơn 65,52 tấn rác thải các loại, trong đó, nhựa tái chế khoảng 17,14 tấn, tổ chức hơn 40 đợt ra quân thu gom rác thải…

    Được trực tiếp tiếp xúc, tìm hiểu, tai nghe mắt thấy sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường biển của toàn huyện đảo, tôi nghĩ rằng chính họ, toàn thể cán bộ, lính đảo và toàn thể người dân nơi đây đã tạo nên một hình ảnh ẩn dụ xanh trọn vẹn và ý nghĩa. Nói đến Cù Lao Khoai Xứ nghĩa là nói đến nét đẹp xanh sạch hoàn mỹ của bãi biển, của làng biển và của cả vùng biển. Bởi vậy, tôi không lấy làm lạ khi huyện đảo Phú Quý được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận từ năm 2016. Và UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030.

    Rời Cù Lao Khoai Xứ, nghĩ lại mọi chuyện, hình dung lại toàn bộ vẻ đẹp mà mình đã tận mắt thấy những ngày qua, càng thấm thía sự đúng đắn trong Kế hoạch hành động 435 ngày 10/2/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận về quản lý rác thải nhựa đại dương. Đây chính là bước chỉ đạo quyết định cho những gì đã đạt được như ngày nay.

    Âm thanh những con sóng luôn mang đến nhiều thông tin, nhiều cảm xúc. Lắng nghe trong sóng có tiếng thầm thì: Cơn bạo bệnh từ ô nhiễm trắng đã qua rồi, sắp qua rồi! Từ ám ảnh ô nhiễm trắng đến khát vọng xanh là một lộ trình khó khăn bởi nó phải xuất phát từ nhận thức mới, nhận thức khoa học. Tuy cũng còn không ít khó khăn, nhưng đến nay, toàn Đảng, toàn dân Bình Thuận đã và đang trên lộ trình thực hiện hiệu quả, cùng chung tay giữ màu xanh muôn đời của biển. 

    Nguồn: TÀI NGUYÊN - Nguyễn Hiệp (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)

     

    Chia sẻ: