Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022

Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022

Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022

Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022

    (TN&MT) - Từ ngày 18 – 20/8, tại Sơn Tây (TP Hà Nội), Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022.

    Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với UNDP xây dựng và công bố năm 2021. Báo cáo đã nêu lên hiện trạng, nút thắt về BĐKH; vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, các chính sách BĐKH, tài chính khí hậu… Báo cáo cũng kiến nghị lộ trình hành động khí hậu của thanh niên trong 5 năm từ 2021-2025. Báo cáo được gửi tới Chủ tịch COP 26 nhân dịp ông có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2021.

    Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu khai mạc Trại viết báo cáo

    Phát biểu khai mạc Trại viết cập nhật Báo cáo năm 2022, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đánh giá cao nỗ lực của các bạn thanh niên với nhiệt huyết, sự sáng tạo trong xây dựng Báo cáo. Báo cáo mới năm nay cần được cập nhật toàn diện hơn trên cơ sở các diễn biến mới về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), các báo cáo khoa học IPCC mới công bố, mục tiêu của thế giới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Đặc biệt, lộ trình thanh niên phải dài hạn hơn, không chỉ tới năm 2025.

    Báo cáo cập nhật cần nêu bật thực tiễn thanh niên ứng phó BĐKH trên cả nước và các ví dụ điển hình, nhấn mạnh về kinh tế tuần hoàn, cách thức giải quyết những rào cản trong Báo cáo công bố năm 2021 về tiếp cận chính sách, xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)… Đồng thời, đưa ra khuyến nghị của thanh niên cần làm gì để xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH. Nếu báo cáo mang tính toàn diện, UNDP và Bộ TN&MT có thể sẽ chuyển tới Hội nghị COP27 vào cuối năm nay.

    "Các bạn thanh niên cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, năng động và sáng tạo, phát huy tại diễn đàn về ứng phó với biến đổi khí hậu, để đóng góp chung cho công cuộc ứng phó với BĐKH của Việt Nam, tăng cường hợp tác với thanh niên khu vực ASEAN và tham gia các diễn đàn thanh niên toàn cầu" - Cục trưởng Tăng Thế Cường nhấn mạnh.

    Quang cảnh sự kiện

    Ông Tăng Thế Cường cũng làm rõ những điểm mới chính sách về BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022); Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022); Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia (Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH (Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022), trong đó, quy định chi tiết về đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH.

    Theo ông Patrick Harveman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam: Trại viết diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị cho Hội nghị COP27. Hội nghị sẽ đưa ra giải pháp cho những cảnh báo thảm khốc trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) - được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi là “mã màu đỏ cho nhân loại”. Các hoạt động thường ngày sẽ làm đảo ngược lại bất kỳ lợi ích phát triển nào đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và sẽ ảnh hưởng đến khả năng được sống trong một thế giới bền vững của các thế hệ tương lai trong vài thập kỷ tới.

    Lần đầu tiên, sự kiện thanh niên được tổ chức tại Milan, Ý vào năm ngoái đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới với tuyên bố của 400 đại biểu thanh niên từ hơn 190 quốc gia: “Kể từ bây giờ, các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ bao gồm cả thanh niên, có nghĩa là tiếng nói của thanh niên sẽ được lắng nghe bởi các lãnh đạo chính trị cao nhất” đã được đệ trình lên các Bộ trưởng tham dự COP26 tại Glasgow.

    “Chúng ta đều thấy rõ, nếu chỉ có Chính phủ hành động sẽ không thể chiến thắng trong cuộc đua ứng phó với biến đổi khí hậu. Họ cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, bao gồm cả thanh niên, hiện đang đại diện cho 23% dân số ở Việt Nam. Tuổi trẻ là sức mạnh để đổi mới và hành động. Cùng với các đối tác của mình, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP quyết tâm thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các công dân trẻ tham gia vào quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh và sạch hơn” - ông Patrick Harveman nhấn mạnh và kêu gọi các bạn thanh niên cùng nhau bắt tay vào Cuộc đua đến phát thải ròng bằng 0.

    Trong thời gian diễn cập nhật báo cáo, các bạn trẻ sẽ cùng đóng góp ý tưởng sáng tạo, truyền tải được đầy đủ những câu chuyện, lợi thế cũng như những thách thức, tồn tại trong quá trình hoạt động vì khí hậu của thanh niên Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp sáng tạo của thanh niên trong các vấn đề khí hậu.

    Nguồn: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - Chu Thanh Hương - https://baotainguyenmoitruong.vn

     

    Chia sẻ: