Ngày 30/6, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức lễ ra mắt cuốn ấn phẩm truyền thông “An Ninh Nước: Khái Niệm, Nội Hàm và Cách Tiếp Cận”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Trung tâm Tuyền thông TN&MT, bà Đoàn Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện nhấn mạnh: Sự khan hiếm nguồn nước, suy thoái và ô nhiễm môi trường có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh. Cùng với an ninh môi trường, an ninh nước là loại hình an ninh phi truyền thống. Tuy vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng môi trường xuống cấp, sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước cần phải được coi là cội nguồn của an ninh quốc gia và quốc tế.
Bà Đoàn Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện, Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu tại buổi lễ ra mắt
Trước những thách thức liên quan đến nguồn nước và sự ổn định, phát triển bền vững xã hội - kinh tế - môi trường của đất nước, trong thời gian gần đây, vấn đề an ninh nước cũng đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, nhiều cấp, ngành, các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư. Nhiều nghiên cứu, đề tài, đề án, thảo luận phân tích, đánh giá thực trạng, thách thức an ninh nước đã được tiến hành thực hiện. Các quá trình đánh giá, phân tích này cũng đã dẫn đến việc phát sinh, sử dụng các thuật ngữ, khái niệm khác nhau như “an ninh nước”, “an ninh nguồn nước” hay “an ninh tài nguyên nước”. Các thuật ngữ, khái niệm này xét về bản chất, nội hàm có thể không có sự khác biệt đáng kể, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau.
Cùng với đó, hiện nay, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang được xem xét sửa đổi để cập nhật, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định pháp luật nhằm quản lý tổng hợp, thống nhất, hiệu quả tài nguyên nước trong thời kỳ mới. Theo đó, bảo đảm an ninh tài nguyên nước sẽ là một trong những chính sách mới, quan trọng đề nghị được bổ sung. Dự kiến Luật tài nguyên nước sửa đổi sẽ giải thích từ ngữ, làm rõ khái niệm cũng như quy định các vấn đề liên quan đến an ninh tài nguyên nước. Theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành ngày 30/1/2022, Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó đã yêu cầu làm rõ nội hàm khái niệm “an ninh nguồn nước” và “an ninh tài nguyên nước”.
Vì vậy, trước thực tiễn đó, Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện – Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Lễ ra mắt Cuốn ấn phẩm truyền thông “An ninh nước: Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận”.
“Cuốn sổ tay sẽ là một cuốn tài liệu tham khảo, làm rõ tên gọi, khái niệm về “An ninh nước”, giúp các cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân, đơn vị truyền thông có thêm những đánh giá cụ thể hơn về vấn đề an ninh nước, từ đó, đẩy mạnh công tác thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng.”- Bà Đoàn Thị Minh Phượng nhấn mạnh.
Ra mắt Cuốn sổ tay “An ninh nước –Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận"
Giới thiệu về nội dung Cuốn ấn phẩm “An ninh nước: Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận”, đại diện nhóm thực hiện, ông Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, nội dung cuốn ấn phẩm này được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu các khái niệm về an ninh nước đang được sử dụng trên thế giới, cũng như rà soát các nghiên cứu liên quan trong nước và quốc tế và có sự tham vấn ý kiến chuyên gia của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước.
Ông Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ nội dung Cuốn sổ tay
Theo đó, Cuốn sổ tay gồm 7 phần: Phần I: Lịch sử nghiên cứu an ninh nước; Phần II: Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận an ninh nước; Phần III: Vấn đề an ninh nước toàn cầu; Phần IV: Vấn đề an ninh nước tại Việt Nam; Phần V: Kinh nghiệm đảm bảo an ninh nước của một số quốc gia; Phần VI: Quan điểm, giải pháp bảo đảm an ninh nước tại Việt Nam và Phần VII: Một số giải pháp đảm bảo an ninh nước.
TS. Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đánh giá cao tầm quan trọng của cuốn sổ tay
Đánh giá cao tầm quan trọng của Cuốn sổ tay, TS. Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng khẳng định: Cuốn sổ tay sẽ là một cuốn tài liệu tham khảo ý nghĩa, góp phần quan trọng trong đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách trong lĩnh vực an ninh nước, đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của mọi người cùng tham gia chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Nguồn: THẾ GIỚI - Thủy Nguyễn- https://baotainguyenmoitruong.vn
- HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN CỦA ĐOÀN CƠ SỞ SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2022 (28.10.2022)
- Bảo vệ những báu vật hàng trăm tuổi ở Đắk Nông (28.10.2022)
- Pin Vonfram mở ra kỷ nguyên lưu trữ năng lượng sạch (28.10.2022)
- THỰC HIỆN THẮNG LỢI NQ CỦA BỘ CHÍNH TRỊ ĐỂ ĐÔNG NAM BỘ LUÔN LÀ ĐẦU TÀU, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ (27.10.2022)
- QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI NQ SỐ 24: VÙNG ĐÔNG NAM BỘ CÓ VAI TRÒ, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG (27.10.2022)
- TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW VỀ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (27.10.2022)
- Vùng Đông Nam Bộ: Cần xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng và tầm nhìn kết nối liên thông (26.10.2022)
- Việt Nam – Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước (26.10.2022)
- Việt Nam – Lào thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực TN&MT (26.10.2022)
- CHƯƠNG TRÌNH “ĐỔI RÁC TÁI CHẾ LẤY QUÀ HỌC TẬP” HỘI THI VẼ TRANH CHỦ ĐỀ “CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG” (26.10.2022)