Ngày 30/6, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức lễ ra mắt cuốn ấn phẩm truyền thông “An Ninh Nước: Khái Niệm, Nội Hàm và Cách Tiếp Cận”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Trung tâm Tuyền thông TN&MT, bà Đoàn Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện nhấn mạnh: Sự khan hiếm nguồn nước, suy thoái và ô nhiễm môi trường có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh. Cùng với an ninh môi trường, an ninh nước là loại hình an ninh phi truyền thống. Tuy vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng môi trường xuống cấp, sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước cần phải được coi là cội nguồn của an ninh quốc gia và quốc tế.
Bà Đoàn Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện, Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu tại buổi lễ ra mắt
Trước những thách thức liên quan đến nguồn nước và sự ổn định, phát triển bền vững xã hội - kinh tế - môi trường của đất nước, trong thời gian gần đây, vấn đề an ninh nước cũng đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, nhiều cấp, ngành, các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư. Nhiều nghiên cứu, đề tài, đề án, thảo luận phân tích, đánh giá thực trạng, thách thức an ninh nước đã được tiến hành thực hiện. Các quá trình đánh giá, phân tích này cũng đã dẫn đến việc phát sinh, sử dụng các thuật ngữ, khái niệm khác nhau như “an ninh nước”, “an ninh nguồn nước” hay “an ninh tài nguyên nước”. Các thuật ngữ, khái niệm này xét về bản chất, nội hàm có thể không có sự khác biệt đáng kể, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau.
Cùng với đó, hiện nay, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang được xem xét sửa đổi để cập nhật, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định pháp luật nhằm quản lý tổng hợp, thống nhất, hiệu quả tài nguyên nước trong thời kỳ mới. Theo đó, bảo đảm an ninh tài nguyên nước sẽ là một trong những chính sách mới, quan trọng đề nghị được bổ sung. Dự kiến Luật tài nguyên nước sửa đổi sẽ giải thích từ ngữ, làm rõ khái niệm cũng như quy định các vấn đề liên quan đến an ninh tài nguyên nước. Theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành ngày 30/1/2022, Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong đó đã yêu cầu làm rõ nội hàm khái niệm “an ninh nguồn nước” và “an ninh tài nguyên nước”.
Vì vậy, trước thực tiễn đó, Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện – Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Lễ ra mắt Cuốn ấn phẩm truyền thông “An ninh nước: Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận”.
“Cuốn sổ tay sẽ là một cuốn tài liệu tham khảo, làm rõ tên gọi, khái niệm về “An ninh nước”, giúp các cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân, đơn vị truyền thông có thêm những đánh giá cụ thể hơn về vấn đề an ninh nước, từ đó, đẩy mạnh công tác thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng.”- Bà Đoàn Thị Minh Phượng nhấn mạnh.
Ra mắt Cuốn sổ tay “An ninh nước –Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận"
Giới thiệu về nội dung Cuốn ấn phẩm “An ninh nước: Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận”, đại diện nhóm thực hiện, ông Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, nội dung cuốn ấn phẩm này được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu các khái niệm về an ninh nước đang được sử dụng trên thế giới, cũng như rà soát các nghiên cứu liên quan trong nước và quốc tế và có sự tham vấn ý kiến chuyên gia của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước.
Ông Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ nội dung Cuốn sổ tay
Theo đó, Cuốn sổ tay gồm 7 phần: Phần I: Lịch sử nghiên cứu an ninh nước; Phần II: Khái niệm, nội hàm và cách tiếp cận an ninh nước; Phần III: Vấn đề an ninh nước toàn cầu; Phần IV: Vấn đề an ninh nước tại Việt Nam; Phần V: Kinh nghiệm đảm bảo an ninh nước của một số quốc gia; Phần VI: Quan điểm, giải pháp bảo đảm an ninh nước tại Việt Nam và Phần VII: Một số giải pháp đảm bảo an ninh nước.
TS. Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đánh giá cao tầm quan trọng của cuốn sổ tay
Đánh giá cao tầm quan trọng của Cuốn sổ tay, TS. Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng khẳng định: Cuốn sổ tay sẽ là một cuốn tài liệu tham khảo ý nghĩa, góp phần quan trọng trong đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách trong lĩnh vực an ninh nước, đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của mọi người cùng tham gia chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Nguồn: THẾ GIỚI - Thủy Nguyễn- https://baotainguyenmoitruong.vn
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Đại hội chi đoàn 2 – Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2027 (23.09.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 8 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 08 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lương nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Lễ khởi động dự án chuyển đổi số của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (06.08.2024)
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi nâng cao tay nghề, sáng kiến (30.07.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 06 năm 2024 (15.07.2024)