Kết quả đạt được của chương trình chuyển đổi số đã và đang thúc đẩy Bình Dương phát triển chính quyền số.
Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là khát vọng cháy bỏng của lãnh đạo và hơn 2 triệu người dân tỉnh Bình Dương. Mục tiêu này ngày càng gần khi quá trình chuyển đổi số ở Bình Dương liên tiếp gặt hái được những kết quả quan trọng.
Thành quả
Nhắc đến chuyển đổi số và điều hành thông minh thì Tổng Công ty Becamex IDC là doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Doanh nghiệp này có mô hình Trung tâm điều hành thông minh để quản lý các khu công nghiệp. Chỉ cần ngồi làm việc tại trung tâm là có thể quản lý, điều hành được tất cả các khu công nghiệp do Becamex IDC đầu xây dựng. Hiện tại, các dự án chiến lược của Becamex IDC đang được triển khai gồm chuyển đổi số công tác quản trị và vận hành doanh nghiệp; VNTT - Trung tâm dữ liệu, an ninh mạng và dịch vụ công nghệ thông tin; Trung tâm thương mại thế giới (WTC) - Kết nối đối tác, phát triển dịch vụ và lan tỏa chuyển đổi số; nguồn lưu trữ và cung cấp thông tin công trình với các hoạt động như mô hình hóa, phối hợp, trao đổi thông tin, sửa đổi thông tin... Theo Tổng Công ty Becamex IDC, thời gian qua, Becamex IDC thực hiện chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0 dựa theo mô hình kinh doanh, phát triển công nghiệp, đô thị. Từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp chú trọng phát triển dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế cân bằng. Đến nay, 100% hoạt động tại Tổng Công ty Becamex IDC và một số công ty thành viên đã được số hóa.
Ngoài ra, nhằm mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (VT-CNTT), Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) chính thức đầu tư và dựa vào khai thác Trung tâm dữ liệu Datacenter được xây dựng tại thành phố mới Bình Dương từ năm 2013. Ông Giang Quốc Dũng, Tổng Giám đốc VNTT, cho biết Trung tâm Datacenter là 1 trong 4 trung tâm dữ liệu lớn nhất nước ta. Tại đây luôn bảo đảm đầy đủ những điều kiện tối ưu để cung cấp cho doanh nghiệp các dịch vụ ICT theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong chuyển đổi số để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tháng 1-2019, VNTT đã ký kết chương trình hợp tác triển khai dịch vụ với Tập đoàn Viễn thông NTT East (Nhật Bản), chuẩn bị hạ tầng công nghệ xây dựng thành phố thông minh và trong các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai một số dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (hàng đầu, bìa phải) thăm Trung tâm điều hành thông minh khu công nghiệp đặt tại trụ sở Tổng Công ty Becamex IDC
Nói về chuyển đổi số ở Bình Dương, không thể không nhắc đến thỏa thuận hợp tác về VT-CNTT giai đoạn 2014-2020 giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Từ năm 2014 đến nay, VNPT đã khảo sát và triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) từ tỉnh đến cơ sở tại tất cả các sở, ban, ngành và 91 xã, phường, thị trấn để phục vụ cho việc triển khai phần mềm một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử tỉnh, hộp thư công vụ và liên thông quản lý văn bản 4 cấp. Cùng với đó, triển khai Đề án tối ưu mạng TSLCD tại tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh, mở rộng mạng MAN TSLCD cung cấp giao diện kết nối 1Gbps đáp ứng yêu cầu băng thông rộng nhằm phục vụ Đề án thành phố thông minh và kết nối liên thông văn bản, truyền hình trực tuyến đến tận cấp xã.
Đặc biệt, VNPT đã đề xuất các giải pháp, ý tưởng triển khai thành công chương trình hành động hằng năm trong kế hoạch triển khai thành phố thông minh của tỉnh. Đồng thời cử đại diện của VNPT tham gia hội đồng cố vấn "ba nhà", tích cực thực hiện các chương trình hội nghị, hội thảo về thành phố thông minh Bình Dương. VNPT là đơn vị đầu tiên thí điểm và đầu tư WiFi phục vụ miễn phí cho người dân ở các khu vực công cộng ở TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên; từ đầu năm 2021 triển khai WiFi miễn phí cho các khu nhà trọ công nhân…
Chung tay để sớm về đích
Kế thừa những kết quả đạt được trong giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh Bình Dương và VNPT tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc triển khai chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021-2026 với nhiều nội dung cụ thể, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, xây dựng đô thị thông minh của tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, hai bên sẽ triển khai các nội dung chuyển đổi số cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng số, khung kiến trúc tổng thể, các giải pháp đô thị thông minh.
Tiếp sau thành công của việc hợp tác chuyển đổi số giữa VNPT và Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC và VNPT cũng tiến hành hợp tác kinh doanh dịch vụ VT-CNTT để phục vụ đắc lực cho đề án xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương, trong đó Becamex IDC đóng vai trò chủ đạo trong tham mưu, kết nối với các địa phương, nhà đầu tư có kinh nghiệm về triển khai thành phố thông minh trên thế giới để áp dụng tại địa phương. "Để xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, đồng thời cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tốt hơn, thuận tiện hơn, Becamex IDC sẵn sàng hỗ trợ tỉnh và chia sẻ về mặt công nghệ, kinh nghiệm để giúp tỉnh Bình Dương bứt phá mạnh mẽ hơn nữa…" - ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cam kết.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, với điều kiện sẵn có cùng quyết tâm chuyển đổi số, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử; dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc chuyển đổi số thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để phát triển các dự án chiến lược trong chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới. "Phấn đấu đầu năm 2022, phải thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực để không còn phải nhận hồ sơ giấy" - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị.
Riêng đối với việc số hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu cần mở ra lĩnh vực mới và các dự án đào tạo chuyển đổi số, làm sao cho tất cả doanh nghiệp phải được đào tạo về lĩnh vực này qua kinh nghiệm của Becamex IDC. "Các cấp, các ngành, UBND tỉnh phải phân công lại từng nhóm công việc cụ thể để các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp triển khai tốt, đưa tỉnh Bình Dương phát triển bền vững trong tương lai" - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.
Ưu tiên mọi nguồn lực
Tại cuộc họp nghe báo cáo Kế hoạch triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương và Kế hoạch hành động về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương năm 2022, ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh trong năm 2022, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh, tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số trong giai đoạn mới.
Theo đó, xác định chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi nhận thức từ các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số với chương trình hành động, kế hoạch hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành, các địa phương. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách chọn; phát triển hạ tầng số; phát triển hạ tầng dữ liệu; phát triển ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, tập trung đưa vào khai thác Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh giai đoạn 1 và bước đầu hình thành Trung tâm điều hành thông minh của UBND cấp huyện như TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Bến Cát thực hiện trên một số dịch vụ, lĩnh vực cho đô thị thông minh. Xây dựng và thực hiện Đề án chuyển đổi số cho các ngành ưu tiên như giáo dục, y tế…
Bài và ảnh: THÀNH ĐỒNG - (https://nld.com.vn)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 11 năm 2024 (02.12.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 11 năm 2024 (02.12.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 10 năm 2024 (28.11.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 10 năm 2024 (28.11.2024)
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường chính thức vận hành nền tảng chuyển đổi số B (25.10.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Đại hội chi đoàn 2 – Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2027 (23.09.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 8 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 08 năm 2024 (09.09.2024)