Tiền thân của Trung tâm Biên giới và Địa giới là “Ban đo đạc 3” trực thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước được thành lập ngày 20/2/1976. Đến nay, Trung tâm Biên giới và Địa giới trực thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Bộ TN&MT đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong công tác phân giới, cắm mốc và địa giới hành chính. 20 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong Trung tâm đã được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý để ghi nhận công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đo đạc và bản đồ về biên giới và địa giới, với sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Nhiều kết quả trong công tác phân giới cắm mốc
Việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền và trên biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn gian khổ, lực lượng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Biên giới và Địa giới là người trực tiếp làm việc trên thực địa; phần lớn thời gian cán bộ kỹ thuật gắn liền với rừng núi biên giới và biển đảo. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nghề và yêu Tổ quốc, cán bộ kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sau khi hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa ngày 18/11/2009, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, với sự nỗ lực của cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Biên giới và Địa giới, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã cắm được 1.970 cột mốc, bao gồm 1.627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi và 111 cột mốc ba, phân giới được khoảng 1.449km đường biên giới từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc đến điểm kết thúc đường biên giới trên đất liền là điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong thời gian qua, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác quản lý biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới Việt Nam - Trung Quốc gồm: Nghị định thư phân giới, cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về quy chế quản lý qua lại cửa khẩu biên giới trên toàn tuyến biên giới.
Tại tuyến biên giới Việt Nam - Lào, sau 7 năm thực hiện, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lực lượng kỹ thuật đã hoàn thành việc xác định vị trí mốc biên giới và hoàn thiện hồ sơ 1.002 cột mốc và cọc dấu biên giới. Ngày 16/3/2016 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới. Việc hoàn thành công tác tăng cường và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào làm tiền đề cho công tác bảo vệ biên giới, hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của nhân dân vùng biên giới, góp phần củng cố an ninh chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng trong vùng biên giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển của hai nước. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện 2 văn kiện pháp lý về biên giới gồm: Nghị định thư và Hiệp định quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, đến nay hai bên đã cắm được 2047 mốc quốc giới và 221 cọc dấu; phân giới được khoảng 1045 km đường biên giới tương ứng với khoảng 84% khối lượng công việc và được thể hiện đầy đủ, chi tiết trên bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1:25.000. Ngày 5/10/2019, tại Hà Nội, đại diện Chính phủ hai nước đã ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Sau khi hai văn kiện pháp lý được Quốc hội phê chuẩn sẽ trở thành một văn kiện pháp lý chính thức về đường biên giới.
Với biên giới trên biển, Trung tâm đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan chuẩn bị tư liệu, bản đồ phục vụ đàm phán với Trung Quốc về phân định và hợp tác cùng phát triển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác hợp tác chung trên Biển Đông; tham gia đàm phán với Indonesia về vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.
Lễ ký kết Văn kiện phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 2009.
Từng bước hoàn thiện công tác địa giới hành chính
Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính”, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, Trung tâm đã phối hợp với Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ của dự án, trong đó tập trung thực hiện việc khép kín đường địa giới hành chính đến đường biên giới quốc gia; xác định phạm vi quản lý đối với các bãi bồi cửa sông, các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý trong vùng biển Việt Nam, xây dựng phương án giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính do lịch sử để lại. Hiện nay, Trung tâm đang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp để bàn giao cho Bộ Nội vụ và các địa phương phục vụ công tác quản lý đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp của các địa phương.
PHẠM TIẾN DŨNG - Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới
Trong 20 năm qua, Trung tâm Biên giới và Địa giới được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 3 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng III. Ngoài ra, tập thể, cá nhân Trung tâm được Bộ trưởng Bộ TN&MT, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc. Trong quan hệ công tác và hợp tác đã được Nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho tập thể Trung tâm Biên giới và Địa giới và 5 cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương Hữu nghị. |
- Công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước (25.10.2022)
- Gần 70% quần thể động vật hoang dã bị suy giảm trong vòng chưa đầy một thế kỷ (25.10.2022)
- Tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai của các đô thị (25.10.2022)
- WMO kêu gọi chuyển đổi sang năng lượng sạch ứng phó với biến đổi khí hậu (25.10.2022)
- GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Nghề “đếm gió đo mây” cần có “lửa” (24.10.2022)
- Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững - Xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với b (24.10.2022)
- Vườn Quốc gia Ba Vì, nơi bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên (21.10.2022)
- Làm giàu từ những cánh rừng thích ứng BĐKH (21.10.2022)
- Nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm nâng cao (21.10.2022)
- Huy động nguồn lực giảm phát thải thông qua định giá các-bon (20.10.2022)