Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của Bộ TN&MT sáng 23/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Ngành TN&MT đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2022
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2022 với đầy khó khăn thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, của toàn ngành với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, toàn ngành đã đạt được các thành tựu nổi bật.
Bộ đã hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch kịp thời trong phản ứng chính sách, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng thể chế, tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia.
Cùng với đó, chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như quỹ đất, nguyên liệu, vật liệu, nguồn nước cho sản xuất kinh doanh, khai khoáng tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng; nguồn thu từ tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước đóng góp 15% thu ngân sách nội địa, góp phần đáp ứng phần lớn, cân đối nền kinh tế.
Khai thác tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển được phát huy đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển và các trung tâm năng lượng tái tạo.
Hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); đã có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% năm 2016 xuống còn 4,03% năm 2020 và đến nay còn 1,55%.
Kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 54 tỉnh/thành phố 23; đang triển khai ở 09 tỉnh, thành phố; số hóa dữ liệu địa chính của 219 đơn vị hành chính cấp huyện, đang triển khai tại 250 đơn vị hành chính cấp huyện; số hóa dữ liệu nền địa lý ở các tỷ lệ 1/25 000 và 1/50 000. Chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, độ tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, báo, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan.
Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng sạch; đồng thời tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và các cơ hội thâm nhập thị trường các nước G7, EU của hàng hóa Việt Nam trước việc áp dung cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), huy động sự hỗ trợ của các định chế tài chính.
Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho biết, về cải cách hành chính của Bộ năm 2021 (Paindex) đạt 87.14/100 điểm xếp thứ 6/17 Bộ, cơ quan ngang bộ; chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI 2021) xếp thứ 7/17 Bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 8 bậc). Những chuyển biến thực chất trong kỷ luật, kỷ cương và cải cách hành chính được đánh giá qua chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường đạt 88,46%, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục giảm 2,6%.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Ngành TN&MT “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023
Nhận định về năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, những vấn đề khó khăn khách quan vẫn tồn tại, tiếp tục tạo nhiều thách thức tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Trong đó, Bộ TN&MT đề ra những nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai;
Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác, tận dụng các thời cơ, chuyển hóa các thách thức, đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, chủ động ứng phó trước các thách thức của BĐKH; Hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường;
Đổi mới đồng bộ thể chế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy theo chức năng nhiệm vụ và tổ chức mới;
Toàn cảnh Hội nghị
Hoàn thiện, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, dữ liệu, mạng lưới quan trắc; thực hiện chuyển đối số ngành tài nguyên và môi trường; Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, toàn ngành cần quyết tâm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Qua đó, đạt mục tiêu nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa. 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn, 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội nghị
Tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15% - 20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị
Đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Phú Yên, Lạng Sơn trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường tại địa phương; lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành chia sẻ, đóng góp ý kiến về các chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để giúp Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công trong năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2022. Những kết quả toàn diện, nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường đã góp phần quan trọng cùng với Chính phủ, cả nước hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Chương trình công tác, Chương trình xây dựng văn bản pháp luật. Đặc biệt là việc chủ trì xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); làm tốt công tác chuyển đổi số, quản lý và phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững;...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò quan trọng, quản lý cơ bản đầu vào của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến mọi mặt đời sống của từng người dân, từng gia đình, vì vậy việc giải quyết hài hòa lợi ích của công cộng, người dân và doanh nghiệp là một trong những thách thức đang được đặt ra.
Để giải quyết hài hòa lợi ích đó, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội xây dựng bộ Luật, hệ thống văn bản dưới luật về đất đai nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập hiện nay đồng thời đẩy mạnh việc số hóa đất đai, tiến tới thiết lập mã định danh với từng thửa đất.
Phó Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững là định hướng phát triển rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự đột phá của ngành TN&MT. Đó là cân đối giữa vùng có động lực phát triển mạnh và vùng khó khăn, hài hòa trong từng bước phát triển thay vì chỉ ưu tiên chỗ thuận lợi thì vẫn dành đầu tư cho vùng khó khăn, dù hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
"Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài", Phó Thủ tướng ví von và nêu rõ yêu cầu phải khơi dậy khát vọng, quán triệt mục tiêu phát triển bền vững, đúng xu thế, tăng cường đổi mới sáng tạo.
Trước hết là đưa tất cả các yếu tố sáng tạo vào để khơi thông các nguồn lực trong xã hội, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển một nền hành chính hiện đại, tăng cường phân cấp hơn nữa. "Các địa phương chờ hướng dẫn là đúng nhưng không thể chờ hướng dẫn những thứ cụ thể, chi tiết mà theo quy định có thể giải quyết được", Phó Thủ tướng nói và lưu ý đến xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Ngành TN&MT là một trong những ngành thực hiện rất mạnh chuyển đổi số như xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với mục tiêu "mỗi thửa đất cũng có một số định danh".
Bên cạnh đó, ngành TN&MT cần khuyến khích, cổ vũ những cách làm mới, những ý tưởng ban đầu dù nghe có vẻ lạ tai, hơi khác thường ngay từ cơ sở, của từng chuyên viên.
"Chỉ có bằng cách làm khác chúng ta mới vượt ra quy luật bình thường để duy trì tốc độ tăng trưởng cao khi quy mô nền kinh tế càng lớn", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những "dư địa" mà ngành TN&MT có thể làm tốt hơn từ đó tạo ra những nguồn lực tốt hơn cho nền kinh tế đất nước. Đó là quản lý tài nguyên môi trường biển, tài nguyên môi trường đất liền, công nghiệp hạ tầng cơ sở.
"Tuy nhiên đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của riêng Bộ TN&MT, và cần tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể để lan tỏa ra toàn xã hội, hình thành lối ứng xử phù hợp của từng công dân, từng tổ chức trong các lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao nỗ lực, tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm rất mãnh liệt của Bộ TN&MT liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT kiên trì, trách nhiệm trong ghi nhận, tiếp thu tối đa, cầu thị, khoa học; có sự trao đổi, phân tích xu thế qua các ý kiến đóng góp về Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Bộ TN&MT đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu một số vấn đề mới đặt ra như đo đạc, quan trắc các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lụt quét; nghiên cứu, khảo sát địa chất, môi trường biển…
Trong hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế; khẳng định vị thế đi trước, đúng xu thế thế giới và đưa ra những sáng kiến, mô hình hợp tác mới của Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của Bộ TN&MT có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trao cờ thi đua của Bộ TN&MT cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của Bộ TN&MT có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trao cờ thi đua của Bộ TN&MT cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021.
Nguồn: Thủy Nguyễn - Trường Giang - Ảnh: Khương Trung - https://monre.gov.vn
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường chính thức vận hành nền tảng chuyển đổi số B (25.10.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Đại hội chi đoàn 2 – Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2027 (23.09.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 8 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 08 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lương nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Lễ khởi động dự án chuyển đổi số của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (06.08.2024)
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi nâng cao tay nghề, sáng kiến (30.07.2024)