Với truyền thống 77 năm xây dựng và trưởng thành, 20 năm qua là giai đoạn ngành Khí tượng thủy văn có bước tiến nhảy vọt về chất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm khu vực và bắt kịp xu hướng hiện đại hóa của các nước tiên tiến trên thế giới, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
* Dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các lĩnh vực
Có tầm ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững, thông tin, dữ liệu Khí tượng thủy văn (KTTV) là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác phòng chống thiên tai khi giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong mọi thời kỳ, thông tin KTTV luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính quyết định góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nói về lịch sử khởi phát của ngành KTTV, GS. TS. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, hoạt động KTTV đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1891, tuy nhiên, lịch sử của ngành KTTV Việt Nam được xác định bắt đầu từ ngày 3/10/1945 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự sát nhập cơ quan KTTV thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua các thời kỳ, đến năm 2002, Bộ TN&MT được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng cục KTTV, Tổng cục Địa chính và một số lĩnh vực của các bộ, ngành khác như địa chất khoáng sản, môi trường, đo đạc bản đồ...
Trong chặng đường 20 năm qua, công tác KTTV đã có nhiều bước phát triển mang tính quyết định, theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thiên tai cực đoan được ghi nhận trong giai đoạn 2002 - 2022 đã phá vỡ những kỷ lục lịch sử xuất hiện ngày càng nhiều, số lượng các cơn bão nhiều nhất từ trước đến nay, nhiều trận mưa lớn, lũ vượt mốc lịch sử,... Ngành KTTV đã theo dõi, dự báo, cảnh báo 143 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó, hơn nửa số bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta; 348 đợt mưa lớn, trên 300 đợt không khí lạnh, trên 126 trận lũ, trên 170 đợt nắng nóng,... Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, năm 2021, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thấp nhất từ trước tới nay, thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về kinh tế giảm 78% so với trung bình 10 năm qua.
Qua mỗi một thời kỳ, tuy có những khó khăn, gian khổ khác nhau, song với tinh thần quyết tâm phục vụ, phấn đấu, ngành KTTV Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích với những dấu mốc quan trọng. “Trung bình hằng năm, các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV Quốc gia ở Trung ương và địa phương đã cung cấp trên 58.600 bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan ở Trung ương, địa phương, phục vụ đắc lực cho công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan, đơn vị, địa phương”, ông Trần Hồng Thái cho biết. Cùng với đó, ngành KTTV Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối trong chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm, cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành KTTV Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Tổng cục KTTV Việt Nam (10/2020). Ảnh: Khương Trung
* Pháp lý được hoàn thiện, trở thành “điểm tựa” vững chắc
Một trong những động lực quan trọng giúp cho ngành KTTV có những bước phát triển vững mạnh, đặc biệt là trong 20 năm trở lại đây là khuôn khổ pháp lý về Ngành được Đảng, Nhà nước quan tâm, từng bước hoàn thiện. Dấu ấn đầu tiên phải kể đến đó là việc Quốc hội thông qua Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 với 10 Chương, 55 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật Khí tượng thủy văn ra đời đã cơ bản giải quyết toàn bộ những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với lĩnh vực KTTV, góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành TN&MT. Luật không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực chuyên môn KTTV, mà còn tạo ra khuôn khổ pháp luật, thay đổi hoạt động quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Kể từ sau khi có Luật Khí tượng thủy văn đến nay, hệ thống văn bản dưới luật đã được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ. Theo đó, Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật bao gồm 2 Nghị định, 5 Thông tư và khoảng trên 20 Thông tư quy định các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế,...
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cùng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Gia Lai tháng 7/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Những năm gần đây, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý Nhà nước và triển khai thi hành pháp luật về KTTV tiếp tục được đẩy mạnh, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành KTTV Việt Nam. Điển hình trong số đó là việc Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp đó, Tổng cục KTTV đã triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật KTTV thời gian qua đã từng bước được đổi mới căn bản, toàn diện, mở đường cho sự phát triển của ngành trong tương lai. Đặc biệt, sự ra đời của Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư đã khẳng định tầm quan trọng của công tác KTTV trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành từng nhấn mạnh: “Tinh thần xuyên suốt của Chỉ thị số 10 là đánh giá công tác KTTV là công tác quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là động lực và cũng là trọng trách của ngành KTTV trong các mặt công tác để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
* Chuyển đổi số - con đường chông gai nhưng vẻ vang
Trên chặng đường phát triển vẻ vang của ngành KTTV Việt Nam không thể không nói đến những kết quả đáng ghi nhận của quá trình chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành KTTV trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, cần coi việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp chủ yếu để phát triển. Khai thác triệt để những thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa ngành KTTV, chú trọng ứng dụng các công nghệ hiện đại như cơ sở dữ liệu lớn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo…
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã được ngành KTTV cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030 phát triển đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, ngành KTTV Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, lấy việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có. Đây là con đường chông gai nhưng cũng là con đường tất yếu, rất vẻ vang nhằm khai thác triệt để thành tựu khoa học công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc
Giải pháp này không phải không có cơ sở khi trong những năm qua, quá trình chuyển đổi số của ngành KTTV đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Điểm nhấn đầu tiên có thể kể đến là việc Tổng cục KTTV đã ứng dụng hệ thống trực quan hóa và biên tập dữ liệu dự báo khí tượng (SmartMet) từ năm 2019. Điểm hỗ trợ quan trắc viên đắc lực nhất là SmartMet tích hợp nhiều loại số liệu quan trắc và số liệu của nhiều mô hình, có thể mở được cùng lúc trên một bản đồ làm việc, dễ dàng cho việc so sánh. Với SmartMet, dự báo viên có thể tùy chỉnh hiển thị cho các thông số dự báo theo mục đích sử dụng cũng như việc thêm 2 - 3 thông số dự báo khác nhau trên cùng bản đồ làm việc. Ngoài ra, dự báo viên có thể sử dụng kinh nghiệm của mình trong quá trình thực hiện các sản phẩm dự báo.
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái chia sẻ, để thực hiện các bài toán dự báo KTTV, ngành phải sử dụng các siêu máy tính với tốc độ tính toán cực lớn và cực nhanh. Trước đây, Tổng cục sử dụng các máy tính bó song song còn một số hạn chế thì nay đã được thay bằng hệ thống siêu máy tính CrayXC40 - hệ thống tính toán dành cho bài toán dự báo khí tượng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống này được đánh giá tương đương với hệ thống CrayXC40 của Cơ quan khí tượng Singapore. Được trang bị 56 máy chủ tính toán với trên 2.100 bộ vi xử lý, CrayXC40 của Việt Nam cho phép đạt năng lực tính toán xấp xỉ 80TFLOPS và thực hiện bài toán dự báo thời tiết ở quy mô 2 - 3km cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông, dự báo 3 ngày trong thời gian 30 - 40 phút.
Với hệ thống siêu máy tính này, ngành KTTV đã và đang thực hiện đồng bộ hóa số liệu, tích hợp toàn bộ các hệ thống quan trắc thời gian thực, bao gồm vệ tinh, radar, quan trắc bề mặt, đo mưa tự động, trên cơ sở đó đưa ra các tính toán, phân tích dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, từ ngày, tuần đến tháng. Đây cũng là hệ thống ứng dụng công nghệ “xanh” để đảm bảo tiết kiệm năng lượng và ít tạo ra các nguồn độc hại cho môi trường làm việc.
Để bước vào hành trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp, tháng 3/2021, Tổng cục KTTV đã ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành, thực hiện cuộc cách mạng 4.0 và hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cái “bắt tay” lịch sử này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ, giúp hình thành và phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo KTTV, góp phần tăng cường hiệu quả dự báo phục vụ phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn: Thanh Tùng
Trong những năm qua, Tổng cục KTTV vinh dự 2 lần được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Liên tục các năm từ 2016 - 2019, Tổng cục KTTV được Bộ TN&MT công nhận Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Năm 2017, nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ TN&MT; năm 2018, nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; năm 2019 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2020, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2. Nhiều tập thể và cá nhân của Tổng cục được công nhận các danh hiệu cao quý khác như Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, Huân chương, Bằng khen... |
- Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản (12.08.2022)
- Ban chỉ đạo Quốc gia kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (12.08.2022)
- Nhận diện các thách thức trong quản lý tài nguyên nước (08.08.2022)
- Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V (Giai đoạn 2016 - 2022): Chất lượng môi trường đã nâng lên r (08.08.2022)
- Giảm ô nhiễm nhựa – không thể trì hoãn (08.08.2022)
- Nhớ câu “Đền ơn đáp nghĩa” (27.07.2022)
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT (27.07.2022)
- Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V sẽ được tổ chức tại Hà Nội (27.07.2022)
- Hoàn thiện cơ chế chính sách và quy định kỹ thuật để phát triển điện gió ngoài khơi (27.07.2022)
- Diễn đàn “Ngành tài nguyên và môi trường lắng nghe ý kiến nhân dân” (27.07.2022)