Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) nói riêng.
Đoàn công tác HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý nước thải tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Chủ động ứng phó
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam vừa trải qua một năm hết sức đặc biệt, tác động của BĐKH và sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Trần Hồng Hà kỳ vọng trong năm 2022 và những năm tới, các bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục chung tay cùng ngành TN&MT thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với BĐKH.
Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, đứng trước các tác động ngày càng cực đoan, khó lường của BĐKH, thời gian qua ngành đã chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chiến lược, cam kết mạnh mẽ, hết sức thực tiễn trong giải quyết thách thức chung lớn nhất của toàn cầu. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các dòng tín dụng, đầu tư cho hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng.
Từ thực tế hoạt động công tác chuyên môn của ngành TN&MT cho thấy, dù đang trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng trong năm 2021 ngành đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ kép. Cụ thể, trong đại dịch, đội ngũ cán bộ khí tượng thủy văn đã nỗ lực vượt khó để cho ra các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, kinh doanh, phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Kết quả của những nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo của ngành đã được cụ thể hóa bằng các chỉ số đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá của người dân, doanh nghiệp cùng các chỉ tiêu đạt được qua thực tiễn.
Với sự quyết tâm cao, năm 2021 Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với BĐKH. Theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam thực sự đã truyền cảm hứng và có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng khi tham gia COP26. Trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với BĐKH và các cam kết của Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris vào Luật BVMT năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH…
Thực tế, các vấn đề ứng phó với BĐKH đưa vào luật, nghị định đã được chuẩn bị trên cơ sở gói thỏa thuận khí hậu Katowice được thông qua năm 2018 tại COP24. Do đó, các điểm mới trong gói thỏa thuận khí hậu Glasgow lần này như cơ chế thị trường các-bon sẽ được tiếp tục nội luật hóa để xây dựng thị trường các-bon nội địa của Việt Nam hoàn thành vào năm 2025, thực hiện thí điểm và đi vào hoạt động chính thức từ năm 2028. Các quy định trên cũng là cơ sở pháp lý để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với BĐKH, đúng như phát biểu “Việt Nam phấn đấu giảm lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Thực thi Luật BVMT năm 2020
Luật BVMT năm 2020 là quy phạm pháp luật hiện hành góp phần đẩy mạnh sự nghiệp BVMT và ứng phó với BĐKH. Trong năm 2021 vừa qua, ngành TN&MT đã chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn thực hiện nhiều chuyên đề tuyên truyền, phổ biến. Kết quả, đến đầu năm 2022, khi Luật BVMT chính thức có hiệu lực, đại bộ phận doanh nghiệp, người dân đã nắm được những nội dung, giá trị cốt lõi mà bộ luật này hướng tới.
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật BVMT năm 2020 đồng thời tiếp tục ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành đến nhân dân và cán bộ quản lý các cấp. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT và UBND tỉnh về việc thực hiện cải cách hành chính và hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, trong năm 2022 và những năm tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động. Bảo đảm nhân sự chuyên môn luôn nắm bắt và theo kịp tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh cập nhật, bổ sung chiến lược, kế hoạch BVMT và ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương, bảo đảm phù hợp với trình độ kỹ thuật, công nghệ, mức độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, bảo đảm duy trì hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với gìn giữ, BVMT theo tiêu chí, mục tiêu xây dựng quốc gia phát triển bền vững.
Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, thời gian tới ngành TN&MT tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường. Bảo đảm công tác tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TN&MT được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Những cán bộ, công nhân viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp cần được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Ngành TN&MT tiếp tục chủ động rà soát, sàng lọc, phân loại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Từ đó có biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra nguy cơ, sự cố môi trường trên địa bàn.
ĐÌNH THẮNG - KHÁNH VY
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Tự hào chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển (31.07.2023)
- CHI BỘ 7 TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRƯỜNG DỤC THANH THÀNH PHỐ P (17.07.2023)
- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn (10.07.2023)
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đột phá, nghĩ lớn để tiến xa! (10.07.2023)
- Phát triển nền tài chính xanh, kinh tế xanh bền vững (10.07.2023)
- Kinh tế phải phát triển theo mục tiêu bảo vệ môi trường (06.07.2023)
- Còn nhiều dư địa để hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam -Trung Quốc lập những kỷ lục mới (06.07.2023)
- Các nước Đông Nam Á đối mặt với hàng loạt khó khăn khi El Nino quay trở lại (05.07.2023)
- Hiện tượng El Nino gây thâm hụt lượng mưa và nắng nóng kỷ lục (05.07.2023)
- Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước: Thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng (05.07.2023)