Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước

Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước

Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước

Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước

    Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước (TNN) ngày càng đa dạng, phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) luôn quan tâm, phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn TNN.

    Bảo vệ chất lượng nguồn nước

    Nhờ có hệ thống sông ngòi với lưu lượng khá tốt, Bình Dương có tiềm năng nước mặt lớn. Cùng với đó, nguồn nước ngầm cũng khá phong phú. Ở phía bắc của tỉnh có 4 tầng chứa nước, phía nam có 5 tầng chứa nước góp phần cung cấp nguồn nước sạch cho tỉnh.

    Khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và dân sinh. Trong ảnh: Nhà máy xử lý nước thuộc Chi nhánh cấp nước Khu liên hợp, phường Tân Hiệp, TP.Tân Uyên được đầu tư hiện đại

    Tiềm năng, trữ lượng nước lớn, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của đô thị và công nghiệp của tỉnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các nguồn nước. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng TNN, hàng năm Sở TN&MT ban hành kế hoạch, phối hợp các sở, ngành, địa phương kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác của các tổ chức, cá nhân; quản lý, khai thác và sử dụng TNN, xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản Sở TN&MT, cho biết Bình Dương là tỉnh công nghiệp nên nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt đô thị rất nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào nguồn thải lớn để kiểm soát trực tiếp, online nhằm giảm thiểu nguồn nước xả thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

    Để giám sát một cách hiệu quả và chính xác, Bình Dương đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải, nước mặt và nước dưới đất. Đến nay, thông qua hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục đã giám sát 108 nguồn nước thải có công suất thiết kế trên 500m3/ngày, đêm, với lưu lượng xả nước thải giám sát được khoảng 200.000m3/ngày, đêm. Việc áp dụng công nghệ tự động hóa, sử dụng thiết bị quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục và dùng camera giám sát, máy lấy mẫu tự động để kiểm soát chất lượng nước thải của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT đang quản lý, theo dõi giám sát hoạt động thiết bị quan trắc nước dưới đất tự động, kết nối truyền dữ liệu của 23 doanh nghiệp với 80 giếng và 23 trạm cấp nước tập trung nông thôn.

    Ngoài ra, để bảo vệ chất lượng nguồn nước, tỉnh cũng triển khai nhiều dự án liên quan, như: Điều tra đánh giá tác động những nguồn có khả năng gây ô nhiễm chất lượng nước dưới đất và đề xuất các giải pháp bảo vệ. “Trước đây, người dân đa phần sử dụng nước giếng đào. Khi công nghệ khoan phát triển, giếng đào không sử dụng dẫn đến một số hộ xả nước thải, chôn lấp chất thải xuống giếng gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Sau thời gian vận động, đến nay hầu hết các giếng đào đã được trám lấp”, ông Lê Văn Tân cho biết thêm.

    Khai thác hiệu quả

    Để quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn TNN, Sở TN&MT phối hợp các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

    Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương hiện có 8 chi nhánh đã đáp ứng nhu cầu nước sạch của các cơ sở sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương. Theo chị Dương Anh Thư, Trưởng ban Kiểm soát của công ty, đơn vị có đầy đủ giấy phép, các công trình khai thác nước đều được thực hiện đúng theo quy định. Để quản lý nguồn nước, UBND tỉnh đã phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình khai thác TNN phục vụ cấp nước tập trung của công ty. Theo đó, công ty có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước trực tiếp khai thác, sử dụng, theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Các công trình chủ yếu khai thác nguồn nước mặt từ các sông Đồng Nai, Sài Gòn. Mạng lưới cung cấp nước được hòa chung thành một hệ thống để luôn bảo đảm cung cấp nguồn nước, không bị ngắt quãng khi có sự cố xảy ra.

    “Tại các nhà máy cấp nước đều được gắn thiết bị quan trắc tự động để giám sát, theo dõi lưu lượng, chất lượng nước; trang bị thiết bị cano để thường xuyên giám sát tình trạng xả thải, rác bẩn vào nguồn nước các dữ liệu được dẫn truyền về Bộ TN&MT hoặc Sở TN&MT tương ứng với từng giấy phép được khai thác. Công ty cũng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mức độ thất thoát nguồn nước ở mức thấp”, chị Dương Anh Thư cho biết thêm.

    Theo Sở TN&MT, để bảo vệ nguồn TNN, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc cấp phép khai thác sử dụng, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, có thể tái sử dụng nguồn TNN với các mục đích khác nhau. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều dự án như điều tra khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh; kiểm kê hiện trạng sử dụng, khai thác nguồn TNN trên địa bàn tỉnh; điều tra đánh giá TNN dưới đất các vùng khan hiếm nước trên địa bàn tỉnh và phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

    Nguồn: TIẾN HẠNH - QUỐC KHÁNH – baobinhduong.vn

     

    Chia sẻ: