Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm này khi chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch BVMT), chiều 3/7.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi cơ bản sang nền kinh tế xanh sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT, phục vụ phát triển bền vững đất nước dựa trên sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường theo lãnh thổ xác định để BVMT.
Hoạt động BVMT hướng tới thực hiện xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Phát triển bảo vệ môi trường thành ngành kinh tế mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh môi trường là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, bên cạnh việc thẩm định, nội dung Quy hoạch cần được tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa với cách tiếp cận đa ngành, đa vùng; "còn thời gian, còn tư duy mới thì còn phải tiếp thu".
Từ tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng "bài toán" môi trường phải được đặt ra trong quá trình phát triển. Quy hoạch cần cập nhật theo mô hình tăng trưởng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội với BVMT. "BVMT phải đi trước một bước chứ không phải lẽo đẽo đi sau phát triển".
Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ chính trong công tác BVMT hiện nay. Trước hết là gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn những khu vực có cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học quan trọng. Từng bước phục hồi những khu vực bị suy giảm chất lượng, ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển. Chủ động phòng ngừa để phát triển mà không ảnh hưởng đến môi trường. Phát triển BVMT thành ngành kinh tế mới thông qua phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi môi trường.
Quy hoạch cũng cần cập nhật các xu thế mới của thế giới về giảm phát thải ròng khí nhà kính; xử lý, tái sử dụng 100% nước thải; thể chế hoá nội dung Nghị quyết 24 Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Luật BVMT năm 2020.
"Quy hoạch không chỉ đề ra không gian, lộ trình thực hiện, mục tiêu ưu tiên mà phải có cả chính sách, giải pháp để thực hiện", Phó Thủ tướng nói.
GS.TS Trương Quang Học (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Hình thành các khu xử lý chất thải tập trung
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch BVMT quốc gia được xây dựng trên quan điểm lấy con người là trung tâm; bảo đảm tính "mở, động và tĩnh" của quy hoạch. Quy hoạch là một bước cụ thể hóa Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Hoạt động BVMT áp dụng một số nguyên tắc như người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường. Người được hưởng lợi từ giá trị môi trường phải có nghĩa vụ trả tiền để đầu tư trở lại cho BVMT. Coi chất thải là tài nguyên, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải gắn với hình thành chuỗi sản xuất tiếp nối, liên tục. Xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch BVMT nhằm chủ động ngăn ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trên phạm vi toàn quốc.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể về xác lập và quản lý: 256 khu bảo tồn thiên nhiên (khoảng 6,7 triệu ha); 21 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn giai đoạn 2021-2025; 13 hành lang đa dạng sinh học trên cả nước (hơn 1,55 triệu ha); 41 khu vực đa dạng sinh học cao (gần 3 triệu ha); 24 cảnh quan sinh thái quan trọng (gần 9,3 triệu ha); xác lập và quản lý 10 vùng đất ngập nước quan trọng (hơn 0,14 triệu ha)...
Quy hoạch còn đặt ra mục tiêu hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, vùng, tỉnh có quy mô công suất, công nghệ xử lý phù hợp đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế chôn lấp trực tiếp.
Cụ thể, đến năm 2030 sẽ hình thành 3 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại mỗi vùng kinh tế-xã hội; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh. Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98% (riêng tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%); tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 95% ở đô thị và 90% ở nông thôn; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế trên 65%...
Đại diện Bộ Công Thương phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Đổi mới tư duy quản lý, bảo vệ môi trường
Tại cuộc họp, các ý kiến đánh giá, giải pháp tổng thể đề cập trong Quy hoạch phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao bao gồm: Đổi mới tư duy quản lý, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Hai là hoàn thiện cơ chế, chính sách hệ thống pháp luật về bảo vệ về BVMT phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trương Quang Học (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội), đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần làm rõ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; xem xét tính khả thi và rà soát lại định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Quy hoạch đa dạng sinh học quốc gia.
"Trong giai đoạn này, chúng ta cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch BVMT và quy hoạch đa dạng sinh học cũng như các quy hoạch về lâm nghiệp, thủy sản, phù hợp với xu hướng quốc tế hiện nay", ông Trương Quang Học nói.
Ngoài giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, một số đại biểu đề nghị khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực xã hội hoá trong cung cấp các dịch vụ môi trường, hệ sinh thái, xử lý chất thải rắn, nguy hại; ưu tiên công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Quy hoạch BVMT cần thể hiện tư duy tiên phong, dẫn dắt phát triển xanh, tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Bảo vệ môi trường phải đi trước, là mục tiêu phát triển
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp thu đầy đủ, thiết thực, hiệu quả các ý kiến của uỷ viên phản biện, các bộ, ngành là thành viên hội đồng thẩm định, nhất là trong thu thập, đánh giá số liệu thống kê, phương pháp tiếp cận, xây dựng quy hoạch…
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo Quy hoạch BVMT phải bám sát nội dung Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 cề Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật BVMT năm 2020, Luật Quy hoạch….
Quy hoạch cần bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, tương hỗ, không để xảy ra xung đột với quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia của các ngành, lĩnh vực… góp phần bảo đảm sự thống nhất giữa môi trường và các lĩnh vực kinh tế, xã hội nằm trong tổng thể, bao trùm của không gian sinh tồn, phát triển.
Phó Thủ tướng nêu quan điểm, với mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp thì vấn đề BVMT phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hoà với tự nhiên. Vì vậy, Quy hoạch BVMT phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa đối với những tác động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
"Quy hoạch BVMT cần giải quyết mối quan hệ với quy hoạch ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội khác theo hướng là mục tiêu, động lực, yêu cầu phát triển. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT phải được thực hiện trước khi triển khai các dự án kinh tế, xã hội, mặt khác phải đồng bộ, nhịp nhàng với lộ trình quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình hướng tiếp cận Quy hoạch BVMT không giới hạn ở biên giới quốc gia, mà theo hệ sinh thái tự nhiên, không gian môi trường như rác thải nhựa đại dương, nạn cháy rừng, đa dạng sinh học…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 3 nhiệm vụ quan trọng Quy hoạch BVMT là khoanh vùng các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý, khắc phục; có giải pháp tái tạo, phục hồi lại những khu vực có tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa đặc thù đối với hệ sinh thái; định hướng cho các giải pháp kinh tế xanh, bền vững - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Kinh tế xanh sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường
Về mục tiêu của Quy hoạch BVMT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu BVMT để phát triển kinh tế theo hướng "thuận thiên" bền vững; cải thiện và phục hồi các khu vực ô nhiễm, suy thoái, nhất là những giá trị, hệ sinh thái cốt lõi của Việt Nam.
Theo đó, Quy hoạch BVMT phải khoanh vùng các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý, khắc phục; có giải pháp tái tạo, phục hồi lại những khu vực có tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa đặc thù đối với hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đầu nguồn… và đồng thời phát triển các hoạt động kinh tế dựa vào hệ sinh thái, đa dạng sinh học thay vì chỉ "khoanh vùng, bảo tồn nghiêm ngặt"; định hướng cho các giải pháp kinh tế bền vững khi thực hiện "Net Zero", phát triển năng lượng tái tạo, giao thông vận tải xanh, nước thải tuần hoàn…
"Chuyển đổi cơ bản sang nền kinh tế xanh sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường", Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng Quy hoạch BVMT phải có các tiêu chí làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép mục tiêu, định hướng bảo vệ, bảo tồn môi trường vào quy hoạch của các ngành kinh tế khác như đất đai, xây dựng, giao thông vận tải… "vừa mở, vừa linh hoạt".
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Quy hoạch BVMT phải xây dựng luận chứng, tiêu chí xác định các dự án, kế hoạch ưu tiên cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phục hồi môi trường.
Trong đó, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng sinh học hiện có là bộ phận quan trọng nhất, tiếp đến là ưu tiên khắc phục, cải tạo khu vực ô nhiễm môi trường, cuối cùng là định hướng phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội dựa trên bảo tồn, BVMT.
"Quy hoạch BVMT là công cụ hết sức quan trọng để thực thi Luật BVMT năm 2020, là nền tảng giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xanh", Phó Thủ tướng nói và nêu rõ "Quy hoạch thể hiện tư duy tiên phong, dẫn dắt phát triển xanh, đầu tư vào tự nhiên, tạo ra những ngành công nghiệp không khói, tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TN&MT, đơn vị tư vấn nghiên cứu, thu thập, xây dựng, cập nhật dữ liệu về các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…; tính khả thi của việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung trong khi đang đẩy mạnh phân loại, xử lý, tái chế rác thải tại nguồn…
Nguồn: Chinhphu.vn
- Đan Mạch, Hàn Quốc và WRI sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G 20 (27.09.2023)
- Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu (22.09.2023)
- Về việc mở lớp tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa (16.09.2023)
- Khởi động đợt 2 của Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA) (14.09.2023)
- Tập trung cao độ cho tổng kết Nghị quyết về biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường (14.09.2023)
- Cùng hành động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2023 (12.09.2023)
- Bình Dương: Nỗ lực đưa Chỉ số PCI trở lại TOP 10 cả nước (07.09.2023)
- Bình Dương: Vận dụng hiệu quả mô hình “Ba Nhà” phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (07.09.2023)
- “TRIỂN KHAI TRỤC VỚT LỤC BÌNH, KHAI THÔNG DÒNG CHẢY TRÊN SÔNG SÀI GÒN ĐỢT 2 NĂM 2023” (07.09.2023)
- Công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022. (07.09.2023)