1. Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)
Bão và ATNĐ thường được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới. Xoáy thuận nhiệt đới là một vùng gió xoáy, thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, có đường kính tới hàng trăm km, được hình thành trên vùng biển nhiệt đới, trong đó có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc;
Tâm xoáy thuận nhiệt đới là vùng có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận nhiệt đới, nơi hội tụ của các dòng gió xoáy từ xung quanh thổi vào; Sức gió mạnh nhất trong xoáy thuận nhiệt đới là tốc độ gió trung bình lớn nhất xác định trong thời gian hai phút quan trắc (tính bằng cấp gió Beaufort);
Gió giật là gió với tốc độ tăng lên tức thời, được xác định trong khoảng hai giây;
ATNĐ là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật;
Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão;
Bão hoặc ATNĐ đổ bộ là khi tâm bão, tâm ATNĐ đã vào đất liền;
Bão hoặc ATNĐ tan là bão, ATNĐ đã suy yếu thành vùng áp thấp có sức gió mạnh nhất dưới cấp 6;
Vùng gió mạnh do hoàn lưu của bão hoặc ATNĐ gây nên là vùng có gió xoáy mạnh từ cấp 6 trở lên;
Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc ATNĐ là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc ATNĐ gây ra.
2. Dông, lốc
- Dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất tạo ra hiện tượng chớp và sấm thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Trường hợp sự phóng điện xảy ra giữa đám mây và mặt đất người ta còn gọi là sét.
Nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và hoạt động mạnh nhất là ở vùng ven biển. Trên lục địa dông thường xảy ra vào mùa nóng, khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển và thường xảy ra vào buổi chiều và tối. Ở vùng biển gần ven bờ thì dông thường xảy ra vào ban đêm nhiều hơn bởi vì vào ban đêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và không khí đạt đến cực đại tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển.
Ở nước ta mùa dông thường bắt đầu từ tháng 3-4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, nhưng cũng tùy theo điạ hình mùa dông ở mỗi địa phương khác nhau.
- Lốc: Lốc hay vòi rồng (tiếng Anh: Tornado hoặc twister) là hiện tượng một dòng không khí chuyển động xoáy rất mạnh theo chiều ngược chiều kim đồng hồ (ở bán cầu Bắc), có hình dáng như cái phễu từ đám mây vũ tích xuống tới mặt đất.
Đường kính của lốc xoáy có thể thay đổi từ vài chục mét cho tới vài kilômét. Nhìn từ xa lốc xoáy có thể có màu đen hoặc trắng, tuỳ thuộc những thứ mà nó cuốn theo. Khi lốc xoáy xuất hiện ở trên đại dương, hình thành nên vòi rồng, thường hút bụi nước lên cao tạo thành các cây nước (waterspouts) nặng hàng chục tấn
vòi rồng
3. Mưa đá
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ dăm milimet đến dăm centimet, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.
4. Mưa lớn
Mưa lớn thường là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, hội tụ gió mạnh trên nhiều tầng, front lạnh, đường đứt,... Đặc biệt khi có sự kết hợp giữa chúng với nhau ở cùng một thời điểm sẽ càng nguy hiểm hơn, gây nên mưa to, gió lớn, dông, mưa đá trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng. Mưa lớn hay mưa vừa, mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hay ngắt quãng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa.
Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được 24 giờ tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa trong mạng lưới khí tượng thủy văn mà phân định các cấp mưa khác nhau theo quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Qua đó mưa lớn được chia làm 3 cấp:
Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16 - 50 mm/24 giờ.
Mưa to: lượng mưa đo được từ 51 - 100 mm/24 giờ.
Mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100 mm/24 giờ.
Lượng mưa ở đây được tính từ 19 giờ ngày hôm trước đến 19 giờ ngày hôm sau.
Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của mưa thì cấp mưa to 51-100 mm/24 giờ bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.
Trên thực tế các khu vực dự báo được quy định ở nước ta chỉ có thể liền kề với một hoặc hai khu vực dự báo khác và mưa lớn mang tính chất hệ thống bao giờ cũng xảy ra trên diện tích bề mặt tương đối liên tục. Bởi vậy việc quy định mưa lớn diện rộng theo định nghĩa như sau: Mưa lớn diện rộng là quá trình mưa lớn xảy ra ở một hay nhiều khu vực dự báo liền kề với tổng số trạm quan trắc quy định sau:
Một khu vực dự báo được coi là có mưa lớn diện rộng khi mưa lớn xảy ra quá một nửa số trạm trong toàn bộ số trạm có quan trắc mưa thu thập được của khu vực đó;
Mưa lớn xảy ra ở 2 hoặc 3 khu vực dự báo liền kề nhau thì khi tổng số trạm quan trắc mưa lớn phải vượt quá 1/2 hoặc 1/3 tổng số trạm có quan trắc mưa thu thập được trong 2 hoặc 3 khu vực liền kề.
Khi mưa lớn xảy ở nhiều khu vực liền kề nhau thì các trạm quan trắc được tính cũng phải liền kề nhau trong khu có mưa đó. Việc mô tả khu vực xảy ra mưa lớn diện rộng phải căn cứ trên việc phân chia các khu vực nhỏ trong các khu vực dự báo đang được sử dụng hiện nay.
5. Lũ
- Lũ là hiện tượng mực nước sông, suối lên cao vượt quá mức bình thường trong một thời gian nhất định, sau đó xuống.
Đường quá trình lũ tại trạm Cẩm Lệ năm 2020
- Mực nước là độ cao của mặt nước trong sông so với độ cao chuẩn Quốc gia (độ cao chuẩn Quốc gia là mực nước biển trung bình tại trạm Hòn Dấu- Hải Phòng có giá trị bằng 0). Mực nước được ký hiệu là H và đơn vị là cm (centimét) hoặc m (mét).
Mực nước trên một con sông giảm dần từ miền núi xuống đồng bằng.
* Đỉnh lũ là mực nước cao nhất trong một trận lũ tại vị trí nào đó. Đỉnh lũ năm là đỉnh lũ cao nhất đã đo được trong năm. Đỉnh lũ trung bình nhiều năm (TBNN) là trị số trung bình của các đỉnh lũ năm.
* Biên độ lũ là hiệu số giữa mực nước đỉnh lũ và mực nước ngay trước lúc lũ lên.
* Cường suất lũ là giá trị thể hiện mức độ lũ lên, xuống nhanh hay chậm trong một đơn vị thời gian. Ví dụ, xét trong 1 giờ, cường suất lũ hiện tại là giá trị bằng mực nước ở giờ hiện tại trừ đi mực nước ở giờ liền kề trước.
Minh họa về phương pháp xác định mực nước
6. Ngập úng, ngập lụt
Ngập úng: Ở các vùng thấp trũng, khi mưa lớn, nước không tiêu thoát kịp sẽ gây ngập úng. Ở các thành phố, khi hệ thống kênh mương không tiêu thoát kịp nước mưa sẽ gây ra ngập úng cục bộ
Một số điểm ngập úng tại Đà Nẵng
Ngập lụt: Khi mực nước lũ trong sông lên cao, chảy tràn bờ làm ngập các vùng thấp trũng.
Ngập lụt tại xã Hoà Châu, Hoà Nhơn (nguồn: http://ccco.danang.gov.vn; http://infonet.vn/) (Nguồn https:// http://kttvttb.vn)
- Mưa, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở… những khái niệm đang trở nên “kinh hoàng” đối với người dân (20.10.2022)
- Hướng tới môi trường sạch, cuộc sống xanh (03.10.2022)
- Kêu gọi bồi thường trước tác động tàn phá của khủng hoảng khí hậu (29.09.2022)
- Hạn hán lịch sử đe dọa xóa sổ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Kenya (29.09.2022)
- Tăng thu nhập từ mô hình nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu (29.09.2022)
- Quy định mới về quản lý chất thải nhựa (28.09.2022)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tuyệt đối không để dân đói, rét, không có chỗ ở sau khi bão đi qua (28.09.2022)
- TP.Thuận An: Ngày hội môi trường làm cho thế giới sạch hơn (28.09.2022)
- Hội nghị cấp Bộ trưởng đối tác tăng trưởng xanh châu Á lần thứ 2 (27.09.2022)
- Nâng khả năng phòng ngừa từ mỗi người dân (27.09.2022)