Khoa học công nghệ môi trường theo hướng thông minh hiện đại: Hướng đi không thể thiếu

Khoa học công nghệ môi trường theo hướng thông minh hiện đại: Hướng đi không thể thiếu

Khoa học công nghệ môi trường theo hướng thông minh hiện đại: Hướng đi không thể thiếu

Khoa học công nghệ môi trường theo hướng thông minh hiện đại: Hướng đi không thể thiếu

    (TN&MT) - Với vai trò là nền tảng để phát triển bền vững kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực môi trường đã được triển khai và áp dụng, góp phần tích cực trong việc cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng văn bản pháp luật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và hướng tới phát triển bền vững.

    PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT để hiểu thêm về những thành tựu trong công tác nghiên cứu này.

    Ông Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT

    PV: Xin ông cho biết, thời gian qua, nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực môi trường đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

    Ông Trần Bình Trọng: Từ năm 2011 đến nay, hoạt động nghiên cứu KH&CN lĩnh vực môi trường được thực hiện thông qua các Chương trình nghiên cứu KH&CN của Chính phủ, Chương trình phối hợp giữa các bộ/ngành, Chương trình KH&CN của Bộ TN&MT. Trong đó, nổi bật là 2 Chương trình KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015” với 50 đề tài nghiên cứu và Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quản lý và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020” với 55 đề tài nghiên cứu.

    Các đề tài nghiên cứu được triển khai giai đoạn này đã tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên, thực tiễn theo yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Nhiều vấn đề mới và khó đã được nghiên cứu, làm rõ về nội dung và có kết quả nghiên cứu rõ ràng, đóng góp vào ứng dụng thực tiễn để cung cấp cơ sở khoa học cho việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng như góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Tiêu chuẩn - Quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là cung cấp cơ sở khoa học vững chắc và thực tiễn để xây dựng các văn bản dưới Luật.

    Bên cạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp, công cụ quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhiều đề tài đã từng bước lựa chọn, chuyển giao và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam trong việc đề xuất các phương án công nghệ xử lý nước thải, rác thải và khí thải có tính thân thiện môi trường, áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến để quan trắc môi trường, dự báo, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường. Điển hình như nghiên cứu về xây dựng bản đồ số phân bố nồng độ ozon (tỷ lệ 1:1.000.000) và chế tạo được thiết bị đo nồng độ ozon bề mặt (TNMT.2017.04.10) đã góp phần tạo nên nền tảng khoa học về xác định nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh nồng độ ozon cao bất thường nhằm đề xuất lồng ghép quan trắc ozon vào chương trình quan trắc không khí thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; Nghiên cứu chế tạo bộ thiết bị đo nồng độ bụi PM10, PM2.5 (TNMT.2018.04.01) là giải pháp đo bụi PM10, PM2.5 tự động, liên tục di động, hỗ trợ hiệu quả cho các kết quả từ hệ thống các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục và cố định; ứng dụng vật liệu nano volfram và thiếc ô xít để chế tạo đầu đo khí NOx và H2S trong thiết bị cầm tay quan trắc môi trường khí (TNMT.2018.04.14);...

    Thông qua việc triển khai các đề tài với sự tham gia của nhiều cán bộ, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu khoa học của các cán bộ tham gia thực hiện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ đã được nâng cao rõ rệt, tiềm lực KH&CN của các đơn vị đã được tăng cường, đặc biệt là việc thu thập, cập nhật các thông tin mới về KH&CN cũng như có điều kiện để trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế.

    PV: Có thể thấy, KH&CN là động lực then chốt, đóng vai trò tích cực cho phát triển bền vững tương lai. Thời gian tới, định hướng về KH&CN trong lĩnh vực môi trường của Bộ TN&MT sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm nào, thưa ông?

    Ông Trần Bình Trọng: Ngày nay, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, không chỉ là sự lựa chọn mà là bắt buộc đối với các quốc gia trên thế giới. Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời 3 bình diện gồm phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hóa đa dạng và môi trường trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững là trong cả ba thế “chân kiềng”: kinh tế - xã hội - môi trường.

    Khoa học công nghệ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

    Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững, thông qua ban hành chương trình quốc gia về phát triển bền vững, với chiến lược được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cơ bản. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường là chìa khóa quan trọng để phát triển bền vững trong tương lai.

    Theo đó, định hướng KH&CN trong lĩnh vực môi trường của Bộ TN&MT trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường.

    Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới nhằm bảo vệ môi trường và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong điều kiện hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

    Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam trong ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, hướng đến mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0.

    Ngoài ra, việc chủ động nghiên cứu, chuyển giao nghiên cứu, sản xuất các thiết bị quan trắc, giám sát theo hướng thông minh, hiện đại là hướng đi không thể thiếu.

    PV: Để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đã đề ra, chúng ta cần phải có giải pháp gì để thực hiện thành công nhiệm vụ KH&CN môi trường trong thời gian tới, thưa ông?

    Ông Trần Bình Trọng: Để thực hiện thành công nhiệm vụ KH&CN môi trường trong thời gian tới, cần có sự tăng cường, phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT của các địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong việc đặt hàng, triển khai thực hiện các đề tài cũng như chuyển giao các kết quả nghiên cứu.

    Cùng với đó, đặc biệt chú trọng gắn kết chặt chẽ sự tham gia trong nghiên cứu, đào tạo của các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế nhằm tranh thủ chuyên môn sâu của các chuyên gia giỏi, qua đó nâng cao trình độ nghiên cứu của đơn vị, đồng thời nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới vào sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

    Đặc biệt, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các kết quả, sản phẩm của chương trình nói chung và từng đề tài, dự án nói riêng đến các địa phương, doanh nghiệp để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn thông qua các hội thảo khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu, công bố các kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Nguồn:  Nguyễn Thủy (thực hiện) - https://baotainguyenmoitruong.vn/

     

    Chia sẻ: