Kêu gọi bồi thường trước tác động tàn phá của khủng hoảng khí hậu

Kêu gọi bồi thường trước tác động tàn phá của khủng hoảng khí hậu

Kêu gọi bồi thường trước tác động tàn phá của khủng hoảng khí hậu

Kêu gọi bồi thường trước tác động tàn phá của khủng hoảng khí hậu

    (TN&MT) - Những trận lũ lụt thảm khốc ở Pakistan đã thúc giục những lời kêu gọi mới của các nhà hoạt động khí hậu đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển bằng việc sử dụng khối lượng lớn nhiên liệu hóa thạch - những quốc gia có mức độ gây ô nhiễm cao, nhằm bồi thường cho các nước đang phát triển về những tác động tàn phá do khủng hoảng khí hậu gây ra.

    “Bồi thường khí hậu” thay thế “thanh toán tổn thất và thiệt hại”

    Thuật ngữ “các khoản thanh toán tổn thất và thiệt hại” hiện đang được quan tâm khi bàn về tác động tàn phá do khủng hoảng khí hậu gây ra, nhưng một số nhà hoạt động khí hậu lại muốn định nghĩa nó như “các khoản bồi thường khí hậu”.

    Các tổ chức “xanh” cũng kêu gọi xóa nợ cho các quốc gia gặp khó khăn về tài chính, bởi phần lớn ngân sách của các quốc gia này dùng để chi trả các khoản vay bên ngoài thay vì sử dụng để củng cố khả năng phục hồi.

    Trả lời phỏng vấn AFP, nhà hoạt động khí hậu Meera Ghani tại trụ sở Bỉ cho biết: "Có một tiền lệ lịch sử, không chỉ cuộc cách mạng công nghiệp dẫn đến gia tăng khí thải và ô nhiễm carbon, mà lịch sử của chủ nghĩa thực dân và lịch sử khai thác tài nguyên, của cải và lao động cũng góp phần dẫn đến tình trạng này". Theo bà Ghani, khủng hoảng khí hậu là biểu hiện của các hệ thống áp bức đan xen và đó là một hình thức của chủ nghĩa thực dân.

    Người đàn ông sử dụng một chiếc bè tạm để vượt qua dòng nước lũ gần ngôi nhà bị hư hại của ông ở Jaffarabad, Pakistan

    Những quan điểm như vậy kéo dài nhiều thập kỷ và lần đầu tiên nhận được nhiều sự quan tâm hơn hết từ các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Đặc biệt, quan điểm này càng được nhấn mạnh sau trận ngập lụt thảm khốc vào mùa hè năm nay ở Pakistan gây ra bởi những trận mưa gió mùa chưa từng có, gần 1.600 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và chính phủ Pakistan ước tính thiệt hại trong khu vực lên đến 30 tỷ USD.

    Ông Daanish Mustafa - Giáo sư Địa lý tại trường King's College London (Anh) cho biết, lượng khí thải của Pakistan, mặc dù ở mức thấp so với quy mô toàn cầu, nhưng đang tăng nhanh, và quốc gia này nên theo đuổi một con đường phát triển carbon thấp.

    Tìm kiếm bồi thường cho những tác động thời tiết khắc nghiệt

    Nhóm các nhà khoa học khí hậu thuộc tổ chức World Weather Attribution nhận định, biến đổi khí hậu có thể góp phần gây ra lũ lụt. Tuy vậy, các tác động tàn phá cũng ngày càng gia tăng với sự xuất hiện của các khu định cư, các công trình cơ sở hạ tầng (nhà cửa, tòa nhà, cầu) và đất nông nghiệp tại vùng đồng bằng ngập lụt.

    Trong khi đó, các nhà vận động chỉ ra thực tế rằng, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu ở khu vực phía Nam bán cầu (gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á) lại là các quốc gia ít phải chịu trách nhiệm nhất về việc phát thải toàn cầu, chẳng hạn như Pakistan, chiếm chưa đến 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, trái ngược với các quốc gia G20 chiếm 80%.

    Ứng phó với khí hậu hiện bao gồm cách tiếp cận theo 2 hướng: "giảm nhẹ" - giảm khí nhà kính giữ nhiệt và "thích ứng" - các bước để thay đổi hệ thống và cải thiện cơ sở hạ tầng. Kêu gọi chi trả cho "tổn thất và thiệt hại" chính là kêu gọi tài trợ cho việc thích ứng và tìm kiếm bồi thường cho những tác động thời tiết khắc nghiệt mà các quốc gia không thể gánh vác được. Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả các mục tiêu tài chính dành cho việc thích ứng có mức độ vừa phải cũng đang bị suy giảm. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã đồng ý chuyển 100 tỷ USD cho các nước kém phát triển hơn vào năm 2020, nhưng đến nay, cam kết này vẫn chưa thực hiện được, ngay cả khi phần lớn nguồn vốn huy động được là dưới hình thức cho vay.

    Thời gian gần đây, vấn đề thanh toán "tổn thất và thiệt hại" nhận được nhiều sự quan tâm khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi những “hành động có ý nghĩa” đối với vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu toàn cầu tiếp theo (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11 tới.

    Nguồn: Linh Đan

     

    Chia sẻ: