TRUNG TÂM QUAN TRẮC - KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

TRUNG TÂM QUAN TRẮC - KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

TRUNG TÂM QUAN TRẮC - KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG

Hướng dẫn việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng Quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT

    Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng (gọi tắt là Thông tư số 72).

    Việc trám lấp giếng không sử dụng thông thường được các doanh nghiệp ít quan tâm và xem nhẹ nhưng thực sự đây là một vấn đề nghiêm trọng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, một nguồn dự trữ nước và là nguồn nước quan trọng đối với một số khu vực khan hiếm nước.

    Giếng không sử dụng là các loại giếng khoan, lỗ khoan, giếng đào sau khi sử dụng xong hoặc bị hỏng trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ, nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, và các hoạt động khoan, đào khác.

    Việc trám lấp giếng không sử dụng theo quy định tại Thông tư số 72 được phân loại chủ yếu thành hai nhóm sau: nhóm các giếng khoan thuộc trường hợp không phải xin phép khai thác và nhóm các giếng khoan thuộc trường hợp phải xin phép khai thác. Việc phân loại, xử lý, trám lấp giếng đối với các trường hợp chủ yếu nêu trên được quy định cụ thể từ Điều 4 đến Điều 9 của Thông tư này.

    Các giếng khoan không sử dụng của doanh nghiệp phải thực hiện trám lấp theo đúng kỹ thuật để chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất

    * Quá trình thực hiện trám lấp giếng khoan

    Phải thực hiện theo yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng và khuyến khích việc thực hiện trám lấp giếng theo yêu cầu tại Khoản 2 Điều 10 của TT số 72 như sau:

    1) Vật liệu trám lấp phải có tính thấm nước kém hoặc không thấm nước, gồm hỗn hợp vữa hoặc vật liệu dạng viên như sau:

    Hỗn hợp vữa, gồm: vữa xi măng; vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit; vữa bentonit, sét tự nhiên; vữa được trộn bằng các vật liệu khác có tính chất đông kết, trương nở tương đương với sét tự nhiên;

    Vật liệu dạng viên, gồm: sét tự nhiên dạng viên; vật liệu dạng viên khác có tính chất thấm nước, trương nở tương đương với sét tự nhiên. Vật liệu dạng viên phải bảo đảm có dạng hình cầu và kích thước không lớn hơn 0,25 lần đường kính nhỏ nhất của giếng khoan hoặc đường kính trong của đoạn ống nhỏ nhất.

    2) Chuẩn bị trám lấp giếng:

    Căn cứ điều kiện cụ thể từng giếng khoan, lựa chọn vật liệu trám lấp và biện pháp thi công, công nghệ, thiết bị trám lấp phù hợp;

    Công tác chuẩn bị vật liệu trước khi trám lấp giếng khoan

    Kiểm tra, đánh giá hiện trạng của giếng khoan; đo chiều sâu, đường kính, xác định đường kính nhỏ nhất và đánh giá mức độ thông thoáng của giếng khoan;

    Kiểm tra, đánh giá khả năng rút, nhổ cột ống giếng. Trường hợp rút, nhổ được cột ống giếng thì chuẩn bị thiết bị, dụng cụ phù hợp để bảo đảm việc trám lấp được thực hiện đồng thời với quá trình rút, nhổ cột ống giếng; Chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm quá trình trám lấp giếng được thực hiện liên tục, không gián đoạn.

    Thông thường, các giếng khoan sau một thời gian dài hoạt động, quá trình nén dẽ của các lớp đất đá sẽ xảy ra, đất đá hai bên sẽ ép lên thành ống cộng với sự lão hóa của ống chống thường bằng nhựa hoặc bằng sắt. Do đó, việc rút nhổ ống chống sẽ không hiệu quả, chỉ rút được một đoạn bên trên, hậu quả sẽ làm đất đá hai bên đoạn vừa rút sập vào và ngăn chặn công tác đưa vật liệu trám lấp xuống bên dưới để cách ly hoàn chỉnh giếng khoan từ trên xuống. Do đó, các tổ chức, cá nhân nên xem xét, đánh giá kỹ trước khi thực hiện việc rút nhổ ống chống của giếng để việc trám lấp giếng đạt yêu cầu ban đầu đã đề ra.

    Việc thi công trám lấp giếng khoan có chiều sâu lớn phải sử dụng máy móc và dụng cụ đáp ứng yêu cầu để đưa vật liệu trám từng đoạn từ đáy giếng

    3) Thi công trám lấp giếng:

    Việc thi công trám lấp phải bảo đảm giếng khoan được lấp đầy bằng các vật liệu trám lấp ở trạng thái đông kết; thực hiện trám lấp theo từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng; ít nhất 10m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa; miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước không nhỏ hơn 0,3m kể từ miệng giếng khoan;

    Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng dụng cụ, thiết bị phù hợp, không đổ vữa trực tiếp qua miệng giếng; chiều dài mỗi đoạn trám lấp tuỳ thuộc điều kiện của từng giếng khoan và khả năng thực tế của thiết bị trám lấp;

    Trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên phải bảo đảm không tạo thành "nút" ở trong giếng; vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn; kết thúc mỗi đoạn trám lấp phải đầm, nén vật liệu bằng dụng cụ, thiết bị phù hợp; chiều dài mỗi đoạn trám lấp không quá 10m;

    Trường hợp rút, nhổ được cột ống giếng, thì phải rút, nhổ cột ống đó trong quá trình trám lấp. Việc rút, nhổ cột ống phải thực hiện theo từng đoạn, phù hợp với chiều dài mỗi đoạn trám lấp, chân của cột ống giếng luôn nằm trong lớp vật liệu trám lấp và bảo đảm đất đá không sập lở vào giếng trước khi vật liệu lấp đầy đoạn giếng khoan.

    Sau khi trám lấp giếng khoan bằng vật liệu phù hợp tới miệng giếng, nên theo dõi trong một thời gian để chờ vật liệu đông kết trước khi tiến hành đổ lớp bê tông miệng giếng

    tông miệng giếng bằng mặt đất

    * Đối với giếng đào, yêu cầu trám lấp được hướng dẫn như sau

    1. Vật liệu sử dụng gồm vật liệu đất, sét tự nhiên có tính cách nước tốt hơn hoặc tương đương với các lớp đất đá xung quanh giếng đào.

    2. Việc thi công trám lấp giếng phải thực hiện theo từng đoạn; vật liệu được đổ theo từng lớp và phải được đầm, nện; tối thiểu 1m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng sét tự nhiên hoặc vật liệu khác có tính chất tương đương.

    Các giếng khoan khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và giếng khoan quan trắc nước dưới đất, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, giếng tháo khô mỏ và hố móng, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình thì thực hiện phương án trám lấp giếng được hướng dẫn tại Phụ lục của Thông tư số 27 nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường để được theo dõi kiểm tra theo quy định.

    (Nguồn: Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn)

     

    Chia sẻ: