Ngày 14/9/2022, kết thúc Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thông báo 100% ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định bằng hình thức bỏ phiếu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, 100% ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cụ thể, có 44 phiếu phát ra, tương đương số ủy viên, thành viên của Hội đồng Thẩm định. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 100% thành viên, ủy viên nhất trí thông qua Hồ sơ Quy hoạch.
Trong đó, có 7 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 16%; 37 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu.
Như vậy, Hồ sơ Quy hoạch đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp tháng 10 tới, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Trong khi đó, với Dự thảo Báo cáo Thẩm định, cũng đã có 100% ủy viên, thành viên Hội đồng Thẩm định thông qua. Trong đó, 16 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 36%; 28 phiếu đồng ý thông qua nhưng với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 63%.
Theo đó, Dự thảo Báo cáo Thẩm định sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Chủ tịch Hội đồng Thẩm định xem xét.
Đây là một dấu mốc quan trọng đối với việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia - quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Trước đó, khi phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích.
"Công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp chúng ta có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với 16 Bộ, ngành xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia (Các quan điểm, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển). Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng 41 hợp phần quy hoạch, và nghiên cứu, tích hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch; gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế trung ương và 05 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương, đồng thời đăng tải hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaixia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản – các nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực – để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên. Đồng thời, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã cử các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, góp ý cho các nội dung lớn của Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nguồn: https://baochinhphu.vn
- Công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước (25.10.2022)
- Gần 70% quần thể động vật hoang dã bị suy giảm trong vòng chưa đầy một thế kỷ (25.10.2022)
- Tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai của các đô thị (25.10.2022)
- WMO kêu gọi chuyển đổi sang năng lượng sạch ứng phó với biến đổi khí hậu (25.10.2022)
- GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Nghề “đếm gió đo mây” cần có “lửa” (24.10.2022)
- Thích ứng biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững - Xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với b (24.10.2022)
- Vườn Quốc gia Ba Vì, nơi bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên (21.10.2022)
- Làm giàu từ những cánh rừng thích ứng BĐKH (21.10.2022)
- Nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm nâng cao (21.10.2022)
- Huy động nguồn lực giảm phát thải thông qua định giá các-bon (20.10.2022)