Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác

Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác

Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác

Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác

    Ngày 21/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) đã tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Hai bên sẽ xây dựng quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) do UNOPS quản lý, hướng tới thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và đạt được các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đề ra trong Thỏa thuận Paris.

    Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ ETP ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan

    Đại diện hai cơ quan, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ ETP đã cùng ký vào Bản ghi nhớ. Đây là khuôn khổ triển khai các hoạt động hợp tác giữa các bên trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

    Cụ thể, các bên sẽ cùng đánh giá Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) và các tác động của Cơ chế CBAM đối với quá trình chuyển dịch năng lượng  và giảm phát thải khí nhà kính; Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon quốc tế; Thúc đẩy các hoạt động làm mát xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực điều hòa không khí và làm lạnh; Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế các-bon thấp.

    Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại buổi lễ

    Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Tăng Thế Cường khẳng định, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Điều này đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, nhằm thực hiện mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP 26 “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

    Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đây là cơ sở quan trọng để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính chuyển dịch năng lượng, phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon thế giới.

    Thông qua Bản ghi nhớ, Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS sẽ cùng triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức để tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận thông tin về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, phát triển nền kinh tế các-bon thấp. Ông Tăng Thế Cường kỳ vọng, các hoạt động này cũng sẽ góp phần triển khai hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26.

    Bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) phát biểu tại buổi lễ

    Đồng quan điểm, bà Sirpa Helena Jarvenpaa cho biết, UNOPS có trách nhiệm đẩy nhanh các hoạt động giảm phát thải năng lượng để hướng đến mục tiêu chung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là hỗ trợ các quốc gia – trong đó có Việt Nam - thực hiện các cam kết khí hậu. Cùng với việc tham gia gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow và cam kết NetZero hướng đến nền kinh tế cac-bon thấp, Việt Nam đã cho thấy nhiều nỗ lực trong phát triển năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng và tăng cường hiệu suất năng lượng. Vấn đề ở đây là cần cân nhắc ảnh hưởng đến kinh tế trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò chủ đạo trong quá trình triển khai định giá các-bon tại Việt Nam. Thời gian tới, Cục BĐKH và Quỹ ETP sẽ cùng đẩy mạnh nghiên cứu cơ chế CBAM, đánh giá tác động của việc chuyển đổi năng lượng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xây dựng các kế hoạch năng lượng xanh quốc gia, tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức… “Việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ giúp tăng cường năng lực định giá các-bon – vấn đề rất quan trọng trong chuyển dịch năng lượng. Điều này cho phép Việt Nam tận dụng tối đa lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững cũng như đạt được mục tiêu NetZero” - bà Sirpa Helena Jarvenpaa nhấn mạnh.

    Bản ghi nhớ hợp tác có hiệu lực từ ngày ký kết đến hết tháng 6/2025. Đại diện Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS thống nhất sẽ sớm lên kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các Bên sẽ họp và trao đổi định kỳ hằng năm để đánh giá các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác, cũng như xây dựng các hoạt động chung tiếp theo.

    Nguồn: Khánh Ly - https://monre.gov.vn/

     

    Chia sẻ: