“Ngày 8/11/2022, Việt nam đã nộp NDC cập nhật lần thứ 2, phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” và cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan. NDC cập nhật lần 2 của Việt Nam đã tăng nỗ lực đáng kể so với NDC nộp năm 2020”.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ như vậy tại sự kiện cấp cao về tăng cường tham vọng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập do Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Việc thực hiện NDC nhằm triển khai cam kết của Việt Nam tại COP 26 là đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hỗ trợ của các đối tác; đồng thời tham gia nhiều tuyên bố về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Tấn cho biết, điều quan trọng là làm sao để chuyển những cam kết thành những hành động thực tế.
Tại sự kiện cấp cao về tăng cường tham vọng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đại diện các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh tiến độ thực hiện Thỏa thuận Paris tập trung vào 3 chủ đề: chuyển dịch công bằng; thích ứng với biến đổi khí hậu; rừng, đất và thiên nhiên.
Sự kiện cấp cao về tăng cường tham vọng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức lớn
Tham dự sự kiện có ông Achim Steiner - Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); ông Ovais Sarmad - Phó Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); bà Hon Thérèse Coffey - Bộ trưởng Bộ Môi trường, Lương thực và các Vấn đề Nông thôn Vương quốc Anh; ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; bà Madeleine Diouf Sarr - Chủ tịch Nhóm các nước kém phát triển (LDCs); ông Cayetano Casado - Quản lý khu vực châu Mỹ La tinh Quỹ Khí hậu xanh (GCF); ông Jochen Flasbarth - Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức; bà Elizabeth Gulugulu Global - đầu mối nhóm Youngo; bà Arancha Soreng - đại diện nhóm thanh niên.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết, UNDP đang hỗ trợ hơn 120 quốc gia xây dựng, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). UNDP cộng tác với các cộng đồng, thực hiện nhiều dự án chuyển đổi năng lượng và kêu gọi sự tham gia của các đối tác - như UNFCCC, ILO, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Chương trình Nông lương Liên Hợp Quốc và các nhà tài trợ - để có thể cùng nhau xây dựng, cập nhật NDC, thực hiện Dự án Climate Promise (tạm dịch: lời hứa khí hậu). Ông Achim Steiner nhấn mạnh, để thực hiện được các NDC, chúng ta cần sự lãnh đạo, ý chí chính trị và Hội nghị COP27 là cơ hội để các quốc gia cùng hợp tác.
Theo Phó Tổng thư ký UNFCCC Ovais Sarmad, sự kiện cấp cao là một cú hích cho các nhà đàm phán, nơi các bên cùng chia sẻ ý tưởng nhằm nâng cao mục tiêu của NDC hơn nữa. Cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo đã diễn ra. Thế giới cần phải tăng tốc và nhân rộng quy mô giảm phát thải để đạt được mục tiêu nhiệt độ tăng không quá 1,50C vào cuối thế kỷ.
Dự án Lời hứa khí hậu đã hỗ trợ 127 quốc gia về NDC. Qua đó, 90% NDC đã tăng cường tham vọng giảm phát thải và 95% NDC tăng cường tham vọng thích ứng với BĐKH.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đại diện Đoàn Việt Nam phát biểu trong sự kiện
Tại phiên tham luận về chủ đề “Chuyển dịch năng lượng công bằng”, bà Hon Thérèse Coffey cho biết, Vương quốc Anh hỗ trợ tối đa 460 triệu Đô la một năm để bảo vệ, phục hồi rừng toàn cầu. Bô Môi trường, Lương thực và các Vấn đề Nông thôn cũng đang hỗ trợ UNDP về các vấn đề lâm nghiệp và sử dụng đất, nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Về tài chính khí hậu, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố tăng gấp 3 nguồn hỗ trợ 1,5 tỷ Bảng cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên, hỗ trợ 500 triệu Bảng cho Quỹ khí hậu.
Để tăng cường mục tiêu thích ứng với BĐKH, ông Cayetano Casado, Quản lý khu vực châu Mỹ La tinh từ GCF cho rằng, các quốc gia cần hiểu rõ các lĩnh vực ưu tiên để thích ứng BĐKH, lấp đầy các khoảng trống trong thích ứng. Các đầu tư cần phải phù hợp với từng nhu cầu cụ thể của từng quốc gia. Thách thức nữa là năng lực quản lý thông tin, nguồn lực thực hiện, khoa học khí hậu...
Thích ứng với BĐKH cũng là 1 trong số các ưu tiên của GCF. Tỷ lệ đầu tư cho giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với BĐKH hiện đang là 51:49. Quỹ đang cố gắng cân bằng tỷ lệ này và tập trung vào các nước dễ bị tổn thương nhất như các nước kém phát triển, các nước Châu Phi. Bên cạnh đó, GCF cũng hỗ trợ các nước về Kế hoạch thích ứng quốc gia (3 triệu đô la cho mỗi quốc gia).
Quang cảnh sự kiện
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, hơn 1/3 số NDC và hơn 1/2 số Chiến lược phát thải thấp dài hạn của các quốc gia có đề cập tới nội dung này. Tham dự phiên thảo luận về chủ đề này, bà Madeleine Diouf Sarr, Chủ tịch nhóm LDCs nhận định, việc chuyển đổi sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính cũng cần huy động sự tham gia của khối tư nhân, nhưng không chỉ có các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng cần tham gia. Trong quá trình chuyển đổi, ngành công nghiệp than bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là công nhân khai thác mỏ, do vậy cần phải đào tạo lại cho người công nhân, đảm bảo chuyển đổi năng lượng là công bằng. Cô Elizabeth Gulugulu đầu mối Youngo cho biết, cần nghiên cứu môi trường phục hồi như thế nào trong quá trình chuyển đổi, và bao nhiêu công việc mới sẽ được tạo ra trong quá trình này. Đơn cử tại Zimbabue, đất nước này dự kiến thiêt lập 53 trung tâm đào tạo để tạo ra việc làm xanh cho cách thanh niên, tạo ra năng lượng tái tạo thay vì phải nhập khẩu.Tại sự kiện, đại diện các quốc gia, tổ chức, đối tác phát triển đã cùng thảo luận về những khó khăn, thách thức hiện này trong việc nâng cao mục tiêu, tham vọng của NDC, giải pháp gỡ vướng, đặc biệt trong vấn đề nguồn lực về kinh tế, công nghệ và con người. Trong phiên kết luận, ông Jochen Flasbarth, Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức khẳng định, CHLB Đức sẽ tăng hỗ trợ cho dự án Lời hứa khí hậu 26 triệu EURO, thông qua UNDP nhằm ủng hỗ những nỗ lực này.
Chu Thanh Hương (đưa tin từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)
- Từ ngày 14/10, 3 miền trên cả nước khả năng có mưa và dông (13.10.2023)
- CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ (AQI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 09 NĂM 2023 (13.10.2023)
- CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG NƯỚC (WQI) TẠI CÁC SÔNG VÀ RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG THÁNG 09 NĂM 2023 (13.10.2023)
- Xác định giá các-bon tại Việt Nam-Cấp bách: Trả tiền để “được” phát thải (09.10.2023)
- Ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam (05.10.2023)
- Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm trọng trách cao hơn trong lĩnh vực khí tượng thủy văn (05.10.2023)
- Bộ TN&MT đứng thứ 2 về Chỉ số ICT Index 2022 (05.10.2023)
- Tân Hiệp Phát giảm 78.000 tấn rác thải nhựa trong gần 10 năm qua (05.10.2023)
- Giải thưởng Môi trường tỉnh Bình Dương: Nhân rộng điển hình, lan tỏa tích cực (04.10.2023)
- Tuần lễ ngành Nước Việt Nam 2023: Nước vì chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững (04.10.2023)