COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung

COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung

COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung

COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung

    Ngày 16/11, trong khuôn khổ Hội nghị COP 27 đang diễn ra tại Ai Cập, Bộ Môi trường Nhật Bản đã tổ chức Cuộc họp cấp cao với các đối tác tham gia Cơ chế Tín chỉ chung JCM.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Akihiro Nishimura đã chủ trì cuộc họp, với sự tham dự của các Bộ trưởng, Lãnh đạo các cơ quan trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu của các nước đối tác. Đại diện Bộ TN&MT Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã tham dư Cuộc họp.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro phát biểu tại Hội nghị

    Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm triển khai hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển. Hoạt động chính là phổ biến công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ ít phát thải các-bon của Nhật Bản và tiến hành các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện. Doanh nghiệp từ các quốc gia chủ nhà sẽ được Chính phủ Nhật Bản tài trợ một phần kinh phí để thực hiện dự án. Tín chỉ các-bon thu được từ dự án được phân chia theo thỏa thuận thống nhất giữa các bên tham gia thực hiện dự án.

    Phát biểu tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Akihiro Nishimura cho biết: năm 2023 là kỉ niệm 10 năm Cơ chế JCM. Thời điểm Nhật Bản khởi xướng Cơ chế JCM năm 2013, quốc gia đầu tiên tham là Mông Cổ. Từ đó đến nay, Cơ chế đã tạo lập được 213 dự án, góp phần giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đối tác. Gần đây, nhiều dự án JCM lớn đã được phê duyệt, trong đó có dự án giảm phát thải khí Mê-tan từ rác thải tại Việt Nam.

    Tháng 6/2022, Nhật Bản đã đưa ra mục tiêu sẽ có 30 nước tham gia Cơ chế JCM. Cho tới nay đã có 24 nước tham gia cơ chế này, trong nửa năm trở lại đây có 7 nước mới tham gia cơ chế. Theo ông Akihiro Nishimura sự hợp tác thông qua Cơ chế JCM sẽ giúp các quốc gia tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris đồng thời thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính.

    Tại Cuộc họp, đại diện các nước đối tác như Senegal, Mondova, Gorgia, Chi-lê, Mông Cổ… đã cùng chia sẻ về thực tiễn triển khai các dự án JCM, các lĩnh vực ưu tiên giảm phát thải có thể xây dựng dự án JCM và thúc đẩy thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris.  Đại diện các nước cũng bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ đạt được các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đồng thời, các đại diện cũng nêu bật sự cần thiết phải thu hút khối doanh nghiệp của hai bên cùng tham gia JCM mạnh mẽ hơn vào tiến trình phát triển bền vững.

    Bộ trưởng năng lượng Chi-lê nhấn mạnh, để chuyển đổi năng lượng, thoát khỏi sự phục thuộc vào than đá, các quốc gia đều sẽ đối mặt với thách thức lớn về mặt công nghệ. JCM là cơ hội để thí điểm công nghệ, tạo ra các giải pháp linh hoạt hơn để vừa giảm phát thải vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

    Các Bộ trưởng cũng thảo luận những vấn đề cần triển khai để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả những nguồn lực do JCM mang lại và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung.

    Các đại biểu tham dự Hội nghị

    Việt Nam đã triển khai Cơ chế JCM từ năm 2013. Đến nay, Ủy ban hỗn hợp Nhật Bản - Việt Nam về thực hiện Cơ chế JCM đã họp 8 phiên để phê duyệt 15 phương pháp luận, đăng ký 14 dự án, cấp tín 4.415 chỉ các-bon (tương đương với 4.415 tấn CO2 cắt giảm được so với lượng phát thải khí nhà kính khi chưa có dự án).

    Về số lượng phương pháp luận và dự án được đăng ký thực hiện, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia tham gia Cơ chế JCM, chỉ xếp sau In-đô-nê-xi-a. Về số lượng tín chỉ các-bon được cấp, Việt Nam đứng thứ tư, xếp sau các nước In-đô-nê-xi-a, Mông Cổ và Ả-rập Xê-út. Thông qua kênh đầu tư này, các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận và áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ các-bon thấp tiên tiến của Nhật Bản, đồng thời, được hỗ trợ tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Giai đoạn từ 2021 – 2030, việc tiếp tục triển khai Cơ chế JCM tại Việt Nam tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới xã hội phát thải ít các-bon, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển thị trường các-bon trong nước. Đồng thời, việc tham gia Cơ chế này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đã được Lãnh đạo cấp cao của hai nước thống nhất.

    Chu Thanh Hương (đưa tin từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)

     

    Chia sẻ: