Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ;... Về chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn nguy hại được quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thải đến thu gom, vận chuyển và xử lý cuối cùng. Đa dạng hóa công nghệ xử lý chất thải rắn nguy hại bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật; người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển các sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải theo đúng quy định của pháp luật để chuyển đến các điểm thu hồi theo quy định. Bên cạnh đó, khuyến khích thu gom, xử lý chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh; xây dựng, phát triển các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung, quy mô vùng tỉnh, vùng liên tỉnh theo quy hoạch quản lý chất thải rắn được phê duyệt, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạn chế phát triển và giảm dần về số lượng những cơ sở xử lý có quy mô nhỏ, phân tán có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích xây dựng các cơ sở xử lý, tái chế chuyên sâu đối với các loại chất thải nguy hại đặc thù đồng thời với việc phát triển các cơ sở xử lý có khả năng tái chế, xử lý đa dạng các loại chất thải nguy hại khác nhau; tăng cường việc chuyển giao chất thải giữa các cơ sở xử lý chất thải để tận dụng thế mạnh của mỗi cơ sở trong quá trình xử lý. Hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tự xử lý chất thải nguy hại tại nơi phát sinh có sử dụng công nghệ đốt hoặc chôn lấp; ưu tiên hoạt động đồng xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật nhằm hạn chế tối đa việc thiêu hủy chất thải trong lò đốt chất thải chuyên dụng; tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải nguy hại; hạn chế việc cấp phép xử lý bằng biện pháp chôn lấp, hóa rắn đối với các loại chất thải nguy hại có khả năng tái chế, tái sử dụng. Đẩy mạnh việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại tại các địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường việc thu gom, xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh thấp hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế việc xử lý chất thải y tế phân tán tại các bệnh viện; ưu tiên xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng phương pháp không đốt, đặc biệt là việc tự xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại nơi phát sinh; giảm dần về số lượng và hạn chế đầu tư mới lò đốt chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế cấp huyện. Về chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn, nâng cao tỷ lệ thu gom; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra. Xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và năng lực quản lý chất thải rắn của địa phương; lựa chọn các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường phù hợp với đặc thù, tính chất chất thải và đặc điểm của từng địa phương; ưu tiên xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung vùng tỉnh, vùng liên tỉnh phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn và bảo đảm quản lý vận hành ổn định, hiệu quả. Cải tạo nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tự phát và ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển tiến tới bù đắp chi phí xử lý, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tổ chức thí điểm thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng chất thải. Xây dựng lộ trình, kế hoạch và triển khai cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư phát triển và quản lý vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật; thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Nguồn: http://monre.gov.vn |
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Đại hội chi đoàn 2 – Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2027 (23.09.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 8 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 08 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lương nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Lễ khởi động dự án chuyển đổi số của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (06.08.2024)
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi nâng cao tay nghề, sáng kiến (30.07.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 06 năm 2024 (15.07.2024)