Cánh én mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đang bay về bầu trời văn hóa Việt Nam mang theo những tín hiệu thật tốt lành, nhiều triển vọng mới, sức sống mới, niềm tin mới!
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Năm 2023 vững vàng nền móng để 2024 thêm những đỉnh cao mới. Năm qua Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu hết sức mình để có những thành công đáng tự hào. Trong bộn bề khó khăn mà hậu đại dịch Covid-19 để lại, tình hình thế giới nhiều biến động, không mấy sáng sủa nhưng chúng ta đã vượt qua những “cơn gió ngược”, tự tin đi lên. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng chung của kinh tế thế giới 2023 chỉ đạt khoảng 2,5% GDP. Ngân hàng Thế giới (WB) bi quan hơn khi nhận định sẽ chỉ ở mức 2,1%. EU dự báo tích cực hơn cũng cho rằng chỉ khoảng 3,2%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm 2023 của nước ta ước đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng so với thế giới ta vẫn cao gần gấp đôi và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nếu vậy quy mô nền kinh tế nước ta sẽ đạt tới 435 tỷ USD, xếp hàng thứ tư ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhìn vào các chỉ số sẽ thấy thế giới có cơ sở để đánh giá Việt Nam sở hữu nền kinh tế năng động với độ mở cao: Chỉ số trí tuệ nhân tạo (AI) xếp hạng 55 toàn cầu; chỉ số hạnh phúc tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp Việt Nam hạng 46/132 quốc gia có Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (công bố ngày 27/9/2023). Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100...
Theo Tổng cục thống kê, tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD. Báo chí thế giới nhận định Việt Nam đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng thu hút FDI đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8%. Đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và châu Âu đến tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam.
Xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp có những bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu gạo lập kỷ lục 4 tỷ USD, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Không chỉ ấn tượng về số lượng, chất lượng gạo nước ta đã chinh phục các thị trường khó tính. Truyền thông số, thanh toán số, kinh tế số cũng là một điểm nhấn, với tổng khối lượng hàng hóa (GMV) kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022. Về hạ tầng cơ sở, các công trình trọng điểm đường bộ được đẩy mạnh, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác lên 1.822km. Bà con nông dân rất phấn khởi vì đường sá thuận tiện tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nông sản, thực phẩm. Thế giới đánh giá cao Việt Nam có chính sách giảm nghèo thiết thực, hiệu quả và thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 2,93%. Đất lành chim đậu, tính chung 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, nổi bật với nhiều sự kiện tốt đẹp, như việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden... Có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế… Việt Nam đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột... Đối ngoại đã góp phần đưa vị thế, uy tín, hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với quốc tế.
Để có những thành tựu ấy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, khoa học, hệ thống của Chính phủ, đúng như lời ông Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào ngày 5/9/2023 trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lí kinh tế vĩ mô. Còn là sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị; sự chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tất cả chung sức cùng nhau đưa con tàu kinh tế - xã hội tiến về phía trước. Các số liệu đều cho thấy tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Với đà ấy, năm 2024 đang mở ra những chân trời mới, đầy hứa hẹn, lạc quan.
Hòa trong niềm vui thành công của cả nước, ngành Tài nguyên và Môi trường năm qua đã có những kết quả thật tích cực. Ngoài việc tiếp tục tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW (03/06/2013) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đang được hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Bộ đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bộ năm 2023 đứng thứ 3/17 bộ, ngành (có dịch vụ công). Với quốc tế, chúng ta tiếp tục tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện mạnh mẽ quyết liệt các cam kết quốc tế về môi trường, khí hậu, nhất là mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ là một khối thống nhất, vững mạnh, cùng hướng theo khẩu hiệu Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường vì một tương lai bền vững. Một mùa xuân mới sắp về. Vận hội mới trong tư thế Rồng bay đang đến với đất nước Việt Nam yêu quý!
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Nguồn: Báo TN&MT - https://www.monre.gov.vn
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường chính thức vận hành nền tảng chuyển đổi số B (25.10.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 9 năm 2024 (04.10.2024)
- Đại hội chi đoàn 2 – Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2027 (23.09.2024)
- Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 8 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 08 năm 2024 (09.09.2024)
- Chỉ số chất lương nước (WQI) tại các sông và rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tháng 07 năm 2024 (06.08.2024)
- Lễ khởi động dự án chuyển đổi số của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (06.08.2024)
- Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi nâng cao tay nghề, sáng kiến (30.07.2024)