Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Cách đây 50 năm, Hội nghị về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockhom, Thụy Điển đã lần đầu tiên nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và môi trường với thông điệp “Chỉ một Trái đất" để thống nhất cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Đến nay, sau 50 năm, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng kép do đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Theo Liên hợp quốc, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là từ hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy thực trạng rất đáng quan ngại: 01 triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm.
Theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại, nhưng chúng ta chỉ có một Trái đất.
Vì vậy, một lần nữa “Chỉ một Trái đất" với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên" tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2022. Thông điệp này cùng với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống" của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2022 đã phát đi mệnh lệnh khẩn cấp để các quốc gia phải quyết tâm hành động và mỗi người chúng ta không được quên rằng chỉ có duy nhất một “Ngôi nhà tự nhiên" chung cho muôn loài trong cả vũ trụ với hàng tỷ ngân hà và hàng tỷ hành tinh. Cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch Covid, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ Nhân Dân.
Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0" vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam, khẳng định vị thế, trách nhiệm trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo con đường “xanh", hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Các chủ trương, cam kết chính trị đã và đang tiếp tục được thể chế hóa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân".
Để chuyển hóa được những thách thức trên và hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới, thông điệp của Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm 2022 và nhân dịp phát động Tháng hành động vì môi trường, phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 6 nhóm nội dung.
Trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.
Hai là, tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu" sang “xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.
Ba là, có kế hoạch cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước.
Bốn là, thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.
Năm là, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; Tăng cường các hoạt động phòng chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.
Sáu là, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu toàn cầu.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý chí và quyết tâm của tất cả chúng ta cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như thực hiện thành công các cam kết quốc tế. Tôi mong rằng, mỗi chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai “ngôi nhà chung - Trái đất", tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người.", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Nguồn: http://vea.gov.vn/
- Thông báo số 766/TB-HĐTDVC ngày 19 tháng 8 năm 2022 Danh sách ứng viên không đủ điều kiện dự kỳ tuyể (19.08.2022)
- Thông báo số 765/TB-HĐTDVC ngày 19/08/2022 Danh sách các ứng viên đủ điền kiện tuyển viên chức, danh (19.08.2022)
- Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022 (19.08.2022)
- Thách thức trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 (19.08.2022)
- Sức sống xanh ở đảo Trường Sa sau 45 năm giải phóng (19.08.2022)
- Hội nghị khoa học Việt Nam về Các khoa học Trái đất và Môi trường lần thứ 2– VCEES 2022 (19.08.2022)
- Bàn giao hơn 150 trạm đo mưa tự động phục vụ cảnh báo thiên tai (19.08.2022)
- Giải bài toán thu hút nguồn lực quốc tế cho phát triển bền vững (17.08.2022)
- Bộ TN&MT - Đại sứ quán Na Uy thúc đẩy hợp tác chiến lược về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (17.08.2022)
- Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăn (17.08.2022)