Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó có 3 nhóm dự án, cơ sở sản xuất nằm trong kế hoạch giám sát.
Kế hoạch nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường, đặc biệt sự cố ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sức khỏe con người. Triển khai Kế hoạch để chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo kịp thời, ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường; thực hiện tốt các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường.
3 nhóm dự án phải giám sát
Theo kế hoạch, 3 nhóm dự án, cơ sở sản xuất, dịch vụ năm trong kế hoạch giám sát. Đó là: Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chưa đầu tư công trình xử lý chất thải theo quy định; Dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (bao gồm cả các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của địa phương) đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để; thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Đối chiếu với Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được chia làm 3 mức.
Mức 1 gồm các cơ sở làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại, chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất thủy tinh (trừ loại hình sử dụng nhiên liệu khí, dầu DO); sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc sinh khổi; sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón hóa học; hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất vải sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi); sản xuất da (có thuộc da); khai thác dầu khí, khí đốt tự nhiên; lọc hóa dầu, nhiệt điện than…
Mức 2 gồm các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường; chất thải rắn nguy hại; phá dỡ tàu biển cũ; sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuát; mạ (có công đoạn mài sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất); sản xuất pin, ắc quy, xi măng.
Mức 3 gồm các cơ sở chế biến mủ cao su; sản xuất tinh bột sắn, bột ngọt; bia, nước giải khát có gas; cồn công nghiệp; sản xuất đường mía; chế biến thủy hải sản; giết mổ gia súc quy mô công nghiệp; chăn nuôi giá súc, gia cầm quy mô công nghiệp; sản xuất kinh kiện, thiết bị điện tử.
Các khu công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao nằm trong kế hoạch kiểm tra, giám sát (ảnh minh họa)
5 nội dung phòng ngừa, kiểm soát
Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT triển khai 5 nội dung phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đó là: tiếp tục tổ chức giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ở 3 miền; Tăng cường kiểm soát nguồn thải lớn, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường; Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020; Cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng cần phòng ngừa, kiểm soát; Báo cáo kết quả thực hiện việc tăng cường kiểm soát cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý.
Ngoài việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT xác định đối tượng, lập danh mục các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên phạm vi cả nước. Bô sẽ lập hồ sơ, phân loại, xác định các vấn đề môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở và thực hiện quản lý, kiểm soát, khảo sát thực tế các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Nhằm xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng cần phòng ngừa, kiểm soát, Bộ TN&MT tiến hành khảo sát, làm việc, thu thập, tổng hợp thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo nhiệm vụ “Xử lý các vụ việc nóng, sự cố môi trường phát sinh” đã được phê duyệt hàng năm.
Bộ TN&MT cập nhật, theo dõi, bổ sung danh mục các dự án, cơ sở sản xuất lớn (bao gồm cả dự án đầu tư mới và dự án, cơ sở đang hoạt động, vận hành thương mại), thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có vị trí đặt dự án tại các khu vực nhạy cảm về môi trường trên cả nước, để thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc thù về môi trường.
Nguồn trích: https://monre.gov.vn
- Bình Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT phục vụ phát triển bền vững (18.11.2022)
- Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Giao ban công tác tháng 11 (18.11.2022)
- Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 (18.11.2022)
- COP 27: Việt Nam nâng mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (18.11.2022)
- COP 27: Hướng đến mục tiêu 30 quốc gia thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung (18.11.2022)
- Người trẻ hào hứng với chiến dịch xanh (18.11.2022)
- Thủ tướng: Vì một ASEAN tự cường, mạnh mẽ, phát triển bền vững, bao trùm (11.11.2022)
- Xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu cho chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải (11.11.2022)
- Lan tỏa thông điệp về môi trường, cùng hành động trong chiến dịch phủ xanh Việt Nam (11.11.2022)
- Quỹ bảo vệ môi trường Bình Dương: Nguồn lực ý nghĩa để xây dựng môi trường sống xanh (10.11.2022)